Thứ tư, 29/05/2019,07:53 (GMT+7)
Châu Phú thí điểm trồng táo trong nhà lưới
Trồng táo trong nhà lưới là mô hình mới, được thực hiện thí điểm với diện tích 1.000m2 tại hộ ông Nguyễn Văn Sáng, ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú (Châu Phú). Sau khi mô hình cho thu hoạch, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú sẽ tiến hành đối chứng hiệu quả sản xuất để làm cơ sở khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng táo trong nhà lưới, nhằm hướng đến sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc canh tác các loại cây ăn trái, ông Nguyễn Văn Sáng cho biết, với diện tích 1.000m2 trồng táo, những năm trước, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 2,1 - 2,2 tấn trái, với giá bán khoảng 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/1.000m2, do chi phí phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh khá cao. Ông Sáng nhẩm tính: “Mỗi vụ, kể từ khi vườn táo ra hoa đến cuối vụ thu hoạch, thời gian kéo dài khoảng 8 - 10 tháng, trong quá trình đó, trung bình mỗi tháng phải phun thuốc từ 3 - 4 lần, chỉ tính riêng chi phí phân, thuốc đã lên đến 15 - 16 triệu đồng”. Năm nay, 1.000m2 diện tích trồng táo của ông Sáng đã được hỗ trợ xây dựng nhà lưới kiên cố, với kinh phí 47 triệu đồng, trích từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới. Mô hình giúp hạn chế sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới xây dựng sản phẩm táo an toàn.

Châu Phú thí điểm trồng táo trong nhà lưới

Những gốc táo trồng trong nhà lưới phát triển tốt

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện mô hình trồng táo trong nhà lưới, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết: “Đa số nông dân Châu Phú đều canh tác nhỏ lẻ, manh mún, quá trình sản xuất thường cho ra các sản phẩm chất lượng không cao, không ổn định, giá trị hàng hóa thấp. Mặt khác, do áp lực sâu bệnh nên nông dân sử dụng nhiều phân, thuốc trên cây trồng, dẫn đến sản phẩm làm ra chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Từ thực trạng đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, nhằm hướng dẫn nông dân xóa bỏ dần tập quán sản xuất truyền thống để đi theo hướng sản xuất mới. Hiện nay, dù năng suất và sản lượng cây ăn trái được cải thiện hơn so với phương thức sản xuất trước đây nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, chúng tôi muốn hỗ trợ nông dân mở ra hướng phát triển ổn định lâu dài, sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước hướng đến xây dựng nhãn hiệu để tiếp cận các kênh tiêu thụ lớn”.

Ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình trồng táo trong nhà lưới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú sẽ theo dõi, tư vấn kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc của nông dân và kịp thời xử lý các tình huống bệnh hại phát sinh. Hiện, trên địa bàn xã Mỹ Phú có khoảng 1,5ha diện tích trồng táo truyền thống, mô hình trồng táo trong nhà lưới tại hộ ông Sáng được xem là mô hình điểm, khi diện tích táo trong nhà lưới cho thu hoạch, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiến hành đối chứng, phân tích hiệu quả kinh tế để khuyến khích phát triển mô hình.

Theo phân tích của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, sử dụng nhà lưới giá rẻ trong sản xuất cây ăn trái có thể giảm từ 40 - 60% lượng thuốc trừ sâu so với phương pháp trồng truyền thống. Trong quá trình sản xuất, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn có thể giảm khoảng 10 - 20% lượng thuốc từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

 

MỸ LINH - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu