Chủ nhật, 14/06/2020,15:49 (GMT+7)
Chợ truyền thống: Cần làm gì để nâng sức cạnh tranh?
Để tồn tại, tiểu thương cần thực hiện cuộc “cách mạng” văn hóa kinh doanh.
Để tồn tại, tiểu thương cần thực hiện cuộc “cách mạng” văn hóa kinh doanh.
 
Chợ quá tải, xuống cấp, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, không gian mua bán chật hẹp, hàng hóa chưa được niêm yết giá đầy đủ,… khiến cho chợ truyền thống dần yếu thế hơn so với các kênh phân phối hiện đại. Để tồn tại, nâng sức cạnh tranh, chợ truyền thống cần phải làm gì?
 
Chợ truyền thống: đang dần yếu thế
 
Chợ được xem là kênh phân phối thuận tiện, có nguồn thực phẩm tươi, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
 
Hiện nay, các chợ truyền thống trong tỉnh cũng đã được các ngành chức năng quan tâm đầu tư, nâng cấp xây dựng phát triển chợ, công tác vệ sinh môi trường tại các chợ đảm bảo, bộ mặt văn minh thương mại từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại không ít chợ còn tồn tại nhiều bất cập.
 
Nguyên nhân do hàng hóa tại nhiều chợ chưa kiểm tra được về nguồn gốc, xuất xứ, chất bảo quản,… trước khi đưa vào lưu thông tại chợ. Mặt khác, nhiều tiểu thương cũng chưa thật sự quan tâm đến các quy định về an toàn thực phẩm.
 
Ghi nhận của phóng viên, chỉ có một số ít chợ được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo có thiết kế, trang bị đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm thì đa số các chợ, nhất là chợ nông thôn, đã quá tải, xuống cấp, cơ sở vật chất cũ kỹ, hư hỏng, sử dụng bằng vật liệu khó đảm bảo vệ sinh (như quầy, sạp bằng gỗ, sắt rỉ sét...) hoặc người dân bày bán hàng thực phẩm trên rổ, thau, vỏ bìa carton, thậm chí bán ngay trên nền chợ,… không đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Khi hỏi một tiểu thương, tại sao bày bán rau, cá sát bên thùng rác thì chị này tỉnh bơ: “Ngồi đâu bán được thì ngồi thôi, đâu có ảnh hưởng gì đâu!”
 
Bên cạnh đó, việc kiểm tra nguồn hàng thực phẩm vào chợ, việc quản lý chất lượng hàng thực phẩm gặp nhiều khó khăn, hầu hết không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng rau củ quả.
 
Đối với các sản phẩm gia súc gia cầm như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm trước khi đưa vào bày bán tại chợ, cơ quan thú y địa phương đều có kiểm tra và đóng dấu. Tuy nhiên, công tác kiểm dịch chưa được tiến hành thường xuyên do không có lực lượng kiểm dịch tại chợ.
 
Đó là chưa kể hiện nay, chợ truyền thống không còn chiếm vị thế “độc tôn” mà đã và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với kênh bán lẻ hiện đại. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của kênh online và các kênh phân phối “chưa hiện đại” như chợ cóc, chợ tự phát, đồ la,…, cũng khiến chợ truyền thống ngày càng mất đi ưu thế vốn có.
 
Chị Nguyễn Thị Thảo- tiểu thương bán quần áo chợ Vĩnh Long- cho hay: “Vài năm nay, lượng khách hàng mua sắm tại tiệm giảm dần, giảm 30- 40% so với 5 năm trước, từ khi xuất hiện mua hàng qua online, tình hình mua bán ngày càng khó khăn hơn. Nhất là từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua đã giảm 50- 70% so với cùng kỳ năm trước”.
 
Nhiều tiểu thương tại các chợ nông thôn cũng cho hay, đã có một số tiểu thương cầm cự không nổi phải nghỉ bán, nhiều tiểu thương lâu năm dù cố gắng bám trụ nhưng cũng phải thu hẹp kinh doanh, không còn dám trữ hàng nhiều như trước nữa.
 
Tổng số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 hộ, trong đó gần 8.000 hộ kinh doanh cố định. Lực lượng tham gia kinh doanh tại chợ chủ yếu là thương nghiệp tư nhân (hộ kinh doanh) và người sản xuất nhỏ trực tiếp bán sản phẩm. Các ngành hàng kinh doanh chính trên chợ hiện nay là thực phẩm tươi sống, tạp hóa, nông sản khô và sơ chế, hộ sản xuất nhỏ,... những ngành hàng này chiếm gần 80% tổng số hộ kinh doanh. Trong đó, hàng thực phẩm tươi sống có số hộ kinh doanh lớn nhất, chiếm gần 50%, hộ sản xuất nhỏ 12%, tạp hóa 9%,...
 
Nâng cấp bộ mặt cho chợ
 
Nếu như một số tiểu thương “đổ thừa” tại chợ xuống cấp thì thời gian qua cũng đã có không ít chợ truyền thống được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, sạch sẽ và hiện đại nhưng vẫn không đủ sức thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
 
Tầm 10 giờ sáng, ở nhiều chợ nông thôn dễ dàng bắt gặp tiểu thương “thảnh thơi” chơi game, lướt điện thoại, xem phim để “giết thời gian”, khi có người đi ngang thì hỏi cho có lệ “mua gì không anh/chị?” nhưng mắt vẫn không rời khỏi màn hình điện thoại.
 
Trong khi đó, hiện nay, người tiêu dùng đã nâng cao ý thức hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
 
Theo đó, nhiều người có xu hướng thích vào mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi do những điểm bán hàng này có không gian thoáng đãng, mát mẻ, sạch sẽ; nhân viên bán hàng nhiệt tình, thân thiện; hàng hóa lại đa dạng, phong phú, có xuất xứ rõ ràng; giá cả niêm yết công khai,... Hoặc nhiều người ngày càng chuộng xu hướng mua hàng mạng online, điện thoại... vì được giao hàng tận nhà nhanh chóng.
 
Vậy làm thế nào để nâng sức cạnh tranh, tăng sức hút cho chợ truyền thống? Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Huấn- Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), cho biết: Các kênh phân phối hàng hóa hiện đại phát triển mạnh khiến chợ truyền thống đang mất dần ưu thế.
 
Tuy nhiên, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh như: đi chợ là thói quen, tập quán từ lâu đời của người dân, chi phí tiểu thương thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng,…
 
Song, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mô hình bán lẻ hiện đại. Bên cạnh đó, xây dựng chợ an toàn thực phẩm là hướng đi đúng đắn để phát triển chợ, nhất là chợ nông thôn.
 
Có thể thấy, chợ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là nơi để người dân gặp gỡ, trao đổi thông tin, trở thành tập quán từ bao đời nay. Tuy nhiên, đã qua rồi cái thời kỳ “trăm người bán, vạn người mua”.
 
Do vậy, để chợ truyền thống có sức hút trở lại, bản thân những tiểu thương cần nỗ lực đổi mới tư duy và cách làm, cần thực hiện cuộc “cách mạng” văn hóa kinh doanh, tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
 
Toàn tỉnh có 115 chợ tại 89/109 xã- phường- thị trấn, bình quân chung trên địa bàn tỉnh có 1,055 chợ/xã- phường- thị trấn, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 0,77 chợ/xã- phường- thị trấn. Trong đó, TP Vĩnh Long có mật độ chợ/xã- phường- thị trấn cao nhất với 1,73 chợ/xã- phường- thị trấn và huyện Mang Thít có mật độ chợ/xã- thị trấn thấp nhất với mật độ là 0,69 chợ/xã- thị trấn.
Bài, ảnh: TRÀ MY - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu