Chủ nhật, 04/04/2021,15:50 (GMT+7)
Chủ động khai thác, dự trữ nguồn nước ngọt hợp lý trong mùa khô, hạn ở ĐBSCL
Theo nhận định từ các cơ quan chuyên ngành và địa phương ở ÐBSCL, tình hình xâm nhập mặn (XNM) theo các cửa sông bắt đầu giảm dần từ tháng 4-2021. Tuy nhiên, theo dự báo mực nước thượng nguồn đổ về vùng ÐBSCL vẫn còn thấp và XNM có khả năng diễn biến bất thường trong những ngày triều cường lên cao. Các địa phương vùng ÐBSCL cần đề phòng khi lấy nước sản xuất nông nghiệp…
Nông dân dự trữ nước trong ao vườn, phục vụ tưới tiêu trong mùa khô hạn.
 
Đe dọa sản xuất nông nghiệp
 
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đầu tháng 4-2021, mực nước thượng nguồn sông Mekong về ÐBSCL có xu hướng giảm. Cụ thể mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Ðốc có xu thế giảm khoảng 0,02m và biến đổi theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 1-4 tại trạm Tân Châu đạt 1,25m, cao hơn 0,32m so với năm 2016 (0,93m), cao hơn 0,16m so với năm 2020 (1,09m). Tại Châu Ðốc đạt 1,41m, cao hơn 0,34m so với năm 2016 (1,07m) và cao hơn 0,36m so với năm 2020 (1,05m). Tại TP Cần Thơ, mực nước trên sông, rạch đang ở mức thấp, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Nhất là vào những ngày nước kém, nông dân phải bơm nước vào ao, mương dự trữ để tưới cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Út, ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), cho biết: “Vào mùa khô như thế này, nông dân như chúng tôi phải tranh thủ nước triều cường lên cao để cho vào mương, rạch dự trữ tưới cho cây trồng. Còn những ngày nước kém phải bơm tát, tốn thêm chi phí sản xuất. Mùa này vườn sầu riêng của tôi đang trổ bông, không có nước tưới thì không thể đậu trái được”.
 
Ở tỉnh Sóc Trăng, những tháng qua XNM xuất hiện và đe dọa đến sản xuất nông nghiệp. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kế Sách, tình hình XNM từ biển Ðông theo sông Hậu về tới địa bàn huyện Kế Sách cao điểm trong 2 tháng và đến nay có dấu hiệu giảm. Ðến ngày 31-3-2021, phần lớn các điểm đo mặn trên địa bàn huyện đều có độ mặn dưới 1‰, an toàn để tưới cho các loại cây trồng phổ biến (ngoại trừ một số loại cây mẫn cảm với mặn). Cụ thể tại các điểm đo ở xã Kế An độ mặn thấp nhất 0,2‰ và cao nhất 0,81‰, xã Thới An Hội có 7 điểm đo độ mặn thấp nhất 0,12‰ và cao nhất tại Cầu Trắng là 0,79‰. Tại Xã An Lạc Tây độ mặn tại vàm An Thạnh 0,4‰ và Cầu Cái Trưng 0,2‰… Ông Vũ Bá Quan, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, cho biết: “Từ đầu mùa khô năm nay, địa phương đã tăng cường nhiều biện pháp đề phòng XNM ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các giải pháp quản lý tốt cống, đập ngăn mặn, đo độ mặn trên các tuyến kênh, rạch được thực hiện thường xuyên... Nhờ thực hiện tốt các biện pháp này nên đến nay thiệt hại sản xuất nông nghiệp ở huyện Kế Sách được hạn chế…”.
 
Ngày 8-2, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 294/QÐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp do hạn, XNM (mức độ rủi ro cấp 1) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn, XNM nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến hạn, mặn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ứng phó kịp thời. Ðồng thời, tổ chức thực hiện các công trình khẩn cấp theo quy định nhằm ngăn mặn, tăng cường tích trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
 
Ông Vũ Bá Quan nhận định: đến nay bước vào tháng 4-2021 có thể đã qua cao điểm đợt hạn mặn. So với năm 2020 mặn từ cuối tháng 2 kéo dài đến đầu tháng 5, nhưng năm nay có phần nhẹ hơn, vào giữa các đợt mặn tăng cao có thể lấy nước ngọt. Ðánh giá tình hình chung sản xuất lúa tạm ổn. Ðối với vườn cây ăn trái nông dân đóng đập đề phòng mặn, trữ nước mương vườn, tưới nước tiết kiệm. Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách khuyến cáo các nhà vườn thường xuyên theo dõi thông báo về độ mặn trên sông rạch. Nếu độ mặn tăng cao trên 1‰ nông dân không nên lấy nước tưới vườn cây ăn trái. Riêng vườn cây sầu riêng, vú sữa đang ra hoa lấy nước tưới độ mặn phải dưới mức 0,5‰.
 
Giải pháp sắp tới
 
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình XNM, nguồn nước đến giữa tháng 4-2021 ở vùng cửa sông Cửu Long có xu hướng giảm dần, phạm vi XNM cách biển từ 30-35km có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, XNM trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn bắt đầu giảm. Ở vùng các cửa sông Cửu Long, XNM khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, các vùng cách biển 25-30km trở vào có thể có nước ngọt.
 
Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nhận định: tình hình thủy văn mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức tương đương trung bình nhiều năm, do dòng chảy thượng nguồn về ÐBSCL suy giảm, XNM ở ÐBSCL có xu thế gia tăng. Từ ngày 9 đến 14-4, từ 24-28/4, mặn sẽ xâm nhập tăng cao, với 4g/l có thể xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 40-50km, 85-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên sông Cái Lớn, sau đó giảm dần. Các địa phương cần kiểm tra độ mặn, cảnh báo kịp thời để nông dân trong vùng không lấy nước tưới tiêu khi mặn vượt 1‰...
 
Trong các đợt XNM đã xảy ra từ đầu năm đến nay, một số thời điểm đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do được hỗ trợ nguồn nước từ các trận mưa trái mùa và sự chủ động tích trữ nước cho vườn cây ăn trái nên đến nay, XNM chưa gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Ðồng thời, các địa phương vùng ÐBSCL đã chủ động ứng phó, trong đó tỉnh Bến Tre đã đào gần 500 ao với dung tích 500m3 nước/ao dự trữ nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp; tỉnh Tiền Giang (tại huyện Cai Lậy) nông dân đã đầu tư 1.200 dụng cụ tích nước tưới, trong đó đào 109 ao với dung tích 2.000m3 nước/ao; các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh đã tích nước trong hệ thống kênh, rạch… Từ tháng 6 đến tháng 8-2021, mực nước sông Mekong lên dần và ở mức tương đương với trung bình nhiều năm… phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong vùng.
 
Tổng cục Thủy lợi (thuộc Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, ngay thời điểm này, các địa phương vùng ĐBSCL tăng cường nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của nhân dân; lợi dụng thủy triều để tranh thủ bơm nước; bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp; xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Bố trí cơ cấu mùa vụ, nhất là vụ lúa hè thu 2021 hợp lý để phát huy hiệu quả của nguồn nước theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành...
 
Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu