Thứ sáu, 19/06/2020,11:00 (GMT+7)
Chuẩn bị kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế theo hướng thí điểm và đảm bảo an toàn
An toàn sẽ là điều kiện tiên quyết khi xây dựng kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế trong thời gian tới. Đó là tiêu chí được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Ngô Hoài Chung nhấn mạnh cũng như đạt được sự nhất trí chung của đại diện các bộ, ngành trong buổi họp bàn về kế hoạch chuẩn bị các điều kiện để mở thị trường khách du lịch quốc tế.
Toàn cảnh buổi họp giữa TCDL với đại diện các bộ, ngành. Ảnh: Hoa Vy
Toàn cảnh buổi họp giữa TCDL với đại diện các bộ, ngành. Ảnh: Hoa Vy
 
An toàn là điều kiện tiên quyết
 
Với tình hình kiểm soát tốt dịch Covid-19, gần hai tháng qua, Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, hoạt động du lịch nội địa đang từng bước được kích cầu sôi động trở lại. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 9/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố các vùng an toàn để từng bước mở lại các đường bay quốc tế tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Trên tinh thần đó, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện mở cửa thị trường khách du lịch quốc tế, qua đó mong muốn sự tham gia, góp ý của các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện các phương án, lộ trình một cách phù hợp nhất vào thời điểm cho phép. 
 
Tại buổi họp ngày 12/6/2020, các đại biểu đại diện Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air… đánh giá cao sự chủ động và kế hoạch chuẩn bị của TCDL, đồng thời, nhất trí rằng đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 an toàn là điều kiện tiên quyết khi xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế trở lại.
 
Theo dự thảo kế hoạch, các phương án đón khách du lịch quốc tế được xây dựng đối với các quốc gia không có ca nhiễm mới trong cộng đồng ít nhất 30 ngày và đã cho phép công dân xuất cảnh. 3 giai đoạn dự kiến gồm: thí điểm đón khách quốc tế từ một số nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh qua các thỏa thuận song phương giữa hai bên; thực hiện đón khách quốc tế từ các quốc gia đã có thỏa thuận song phương và mở rộng cho các quốc gia phù hợp khác; thực hiện mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế khi tất cả các hạn chế và kiểm soát liên quan đến dịch bệnh được gỡ bỏ, tuy nhiên vẫn đảm bảo các điều kiện về y tế, hỗ trợ sức khỏe khi cần thiết. Kế hoạch đề xuất bước đầu tập trung đối tượng khách quốc tế theo hình thức chương trình du lịch trọn gói bằng đường hàng không, lưu trú tối thiểu 5 ngày tại Việt Nam; phải có giấy chứng nhận sức khỏe và khai báo y tế khi nhập cảnh; tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch trong quá trình du lịch tại Việt Nam. 
Cần sự chung tay quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các địa phương là địa điểm đón khách quốc tế. Ảnh: Duy Bằng
Cần sự chung tay quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các địa phương là địa điểm đón khách quốc tế. Ảnh: Duy Bằng
 
Triển khai thí điểm tiến tới mở rộng phục hồi từng giai đoạn theo hướng bền vững
 
Trên tinh thần chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế nhưng không vội vàng, đảm bảo an toàn là điều kiện tiên quyết, theo đó, kế hoạch đề xuất giai đoạn đầu tiên là xây dựng các phương án thí điểm lựa chọn đón khách quốc tế tới các điểm đến tại Việt Nam có vị trí riêng biệt, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng thấp, có hạ tầng về an ninh, y tế giao thông, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khách quốc tế, ví dụ như đảo Phú Quốc (Kiên Giang), thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa)...; lựa chọn một số khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách quốc tế. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý cụ thể về các phương án, điều kiện cần chuẩn bị để đón khách vào, từ tiêu chí lựa chọn thị trường khách an toàn, thời điểm đón, điểm đến ở Việt Nam, tần suất chuyến bay, cũng như quy trình kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh từ khi khách vào đến khi khách rời khỏi Việt Nam như: sàng lọc từ công tác cấp thị thực, thủ tục nhập cảnh, đón khách tại sân bay, vận chuyển khách, lưu trú, quản lý đoàn khách, xử lý sự cố…
 
Cụ thể, các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo an toàn về y tế cho khách du lịch và người lao động; cung cấp và đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách; lưu trữ thông tin y tế của khách sử dụng chỗ ở và dịch vụ theo hướng dẫn của các tổ chức y tế có thẩm quyền; tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ về khách để hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm nghi ngờ Covid -19 khi cần. Về thị trường gửi khách, đại diện các Bộ, ngành cũng thống nhất trước mắt lựa chọn một số thị trường có kết quả phòng, chống dịch tốt, qua ít nhất 30 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, từ đó đàm phán thiết lập hành lang an toàn song phương. 
 
Nhận định hiện tại là thời điểm phù hợp để xây dựng kế hoạch chuẩn bị điều kiện cho việc đón khách quốc tế, đại diện các bộ, ngành cho rằng việc ngành Du lịch đi tiên phong trong quá trình mở đón khách quốc tế trở lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam an toàn ra quốc tế, vừa tạo điều kiện tiếp tục tái khởi động các ngành, lĩnh vực khác của đất nước. Trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các đại biểu đề nghị việc xây dựng kế hoạch cần hết sức chặt chẽ, thận trọng và chủ động trong việc kiểm soát toàn bộ mọi chi tiết, mọi khâu trong quy trình đón và phục vụ khách, thí điểm từng bước theo lộ trình, tùy điều kiện sẽ mở rộng phục hồi theo từng giai đoạn thích hợp. Mặt khác, cần có sự chung tay quyết liệt của tất cả các Bộ, ngành nhằm xây dựng phương án khả thi nhất; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của UBND các địa phương là địa điểm đón khách quốc tế; phân định rõ công việc, trách nhiệm của mỗi bên tham gia vào quá trình đón khách cũng như cần chuẩn bị mọi phương án xử lý kiểm soát dịch sẵn sàng trong mọi tình huống, hạn chế rủi ro.
 
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung cho biết, TCDL sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện kế hoạch, báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.
 
Hoa Vy - (vtr.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu