Thứ năm, 29/08/2019,10:53 (GMT+7)
Chứng chỉ tiền gửi: Cuộc đua lãi suất mới!
Với lãi suất hấp dẫn cùng linh hoạt trong việc chuyển nhượng, chứng chỉ tiền gửi trở thành kênh đầu tư mới của các cá nhân, tổ chức có nguồn tài chính lớn, tìm kiếm sự an toàn trong sử dụng vốn trung, dài hạn.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bản Việt. Ảnh: CTV

Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of deposit) là một loại giấy tờ có giá do các ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Hiện có các loại chứng chỉ tiền gửi phổ biến, gồm: Chứng chỉ tiền gửi ghi danh có tên người sở hữu tài sản; chứng chỉ tiền gửi vô danh không ghi tên người sở hữu tài sản và chứng chỉ tiền gửi ghi sổ không dùng để chuyển nhượng, chỉ có thể bán theo mệnh giá và trả lãi vào các ngày đáo hạn. Thời hạn của chứng chỉ thường từ 6 tháng đến 5 năm, thời hạn càng dài lãi suất càng cao. Giá trị của chứng chỉ tiền gửi khác nhau giữa các ngân hàng và lãi suất của chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Bên cạnh đó, chủ sở hữu còn có quyền sử dụng chứng chỉ tiền gửi với nhiều mục đích khác nhau như: Chuyển nhượng, trao tặng… theo những quy định chung. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn khi chưa đến hạn, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác với lãi suất theo quy định của ngân hàng.

Cùng với việc đầu tư thông qua các tài khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường, chứng chỉ tiền gửi đang trở thành một trong những kênh đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm thấp, các ngân hàng liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi với nhiều mệnh giá và lãi suất ưu đãi. Thời gian gần đây, hàng loạt các ngân hàng thương mại liên tục chạy đua phát hành sản phẩm này với mức lãi suất hấp dẫn. Điển hình, mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất tính đến thời điểm hiện tại cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi. Theo đó, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định là 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm. Trước đó, đầu tháng 8-2019, Ngân hàng TMCP Quốc tế cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Mức lãi suất tương tự cũng được Ngân hàng TMCP Việt Á đưa ra vào đầu tháng 5-2019. Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất đến 8,9%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng huy động lãi suất chứng chỉ tiền gửi trên dưới 8%/năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, chứng chỉ tiền gửi là một hình thức huy động vốn của các ngân hàng nên nhược điểm lớn nhất của việc mua chứng chỉ tiền gửi đó là người mua không được thanh toán trước hạn. Vì vậy, nếu có nhu cầu sử dụng vốn trước thời gian đáo hạn, khách hàng chỉ có thể bán hoặc cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay lại và lãi suất cho vay thường sẽ cao hơn lãi suất của chứng chỉ tiền gửi. Có thể nói, chứng chỉ tiền gửi là một kênh đầu tư sinh lợi lâu dài nhưng chỉ phù hợp với những cá nhân và tổ chức có tiền nhàn rỗi trong thời gian dài. Nhìn chung, mỗi kênh đầu tư đều có ưu nhược điểm khác nhau. Vì vậy khách hàng cần cân nhắc kỹ dựa trên nhu cầu đầu tư sinh lợi, tình hình chi tiêu trong tương lai để chọn đúng kênh, đúng lúc, đúng chỗ để sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý và tối ưu hóa giá trị… 

L. Mẫn - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu