Cùng trong một thành phố, từ nơi tôi ở đến với làng hoa Hà Đông cũng không xa lắm. Thực ra, vài ba tuần tôi lại có dịp rảo qua những con đường bọc lấy làng hoa như Nguyễn Công Trứ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phù Đổng Thiên Vương.
Có lẽ vậy mà ba thập niên qua, bản thân đã chứng kiến hầu hết những vui buồn, thay đổi của làng hoa. Tôi đã thấy cư dân của làng vẫn giữ được phần nào phong hóa lề xưa, nếp cũ nơi quê hương mới.
Tôi đã thấy những người dân nơi này vật vã trở mình cùng hoa, cùng đất qua nhiều chặng thời gian để giờ đây làng trở thành một điểm đến thú vị. Là vùng chuyên canh hoa thương phẩm, làng Hà Đông còn là một điểm du lịch canh nông với 500 hộ canh tác trên diện tích 53 ha, thu hút hơn 1.000 lao động…
Lần này trở lại làng, người kể cho tôi nghe về lịch sử làng hoa Hà Đông trong một buổi chiều của mười mấy năm trước nay đã mất, nhưng câu chuyện cụ kể thì lưu nhớ mãi. Cụ tên là Ngô Văn Bính, quê xưa ở làng Quảng Bá, là một trong những bậc lão niên có mặt từ buổi đầu lập ấp.
Anh cả Bính ngày xưa làm cu-ly sắp chữ ở tòa báo La Voulte đóng ở Hà Nội. Một ngày, trên chính tờ báo ấy đăng dòng tin tuyển mộ người di dân vào lập cư ở cao nguyên Đà Lạt nhằm khai thác đất đai trồng rau, hoa phục vụ cho đô thị nghỉ dưỡng này.
Đang tuổi tráng kiện và sẵn thích phiêu lưu, cả Bính đã không ngần ngại dứt áo lên đường. Hòa vào dòng lưu dân là những người đồng hương ở các làng ven hồ Tây, Ngô Văn Bính trở thành công dân mới của cao nguyên Lâm Viên, một trong những thành viên đầu tiên của ấp Hà Đông…
★★★
Theo dòng hồi ức của người dân làng hoa Hà Đông, tôi lần giở tư liệu cũ về vùng cư dân độc đáo này. Vào hồi đầu thế kỷ trước, Đà Lạt bắt đầu phát triển theo hướng một đô thị nghỉ dưỡng; năm 1936, triều đình Huế đã lập ra tại đây một cơ quan hành chính đại diện cho người Việt cùng tồn tại bên cạnh Tòa Đốc lý của thực dân Pháp. Vị Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt là quan tứ phẩm Trần Văn Lý.
Ngày đó, ông Lý đã nhận thấy vùng đất màu mỡ này còn hoang sơ chưa được khai phá, khí hậu lại mát mẻ rất thích hợp cho việc sản xuất các loại rau, hoa và cây ăn quả. Trong khi đó, nhu cầu về thực phẩm tươi sống thì ngày càng tăng. Vì vậy, quan Quản đạo đã đưa ra sáng kiến về việc lập ấp trồng rau và hoa tươi cung cấp cho nhu cầu tại chỗ.
Được sự đồng ý của người Pháp, ông Lý đã đề nghị ông Hoàng Trọng Phu lúc đó là Tổng đốc Hà Đông về việc di dân ngoài đó vào. Nhận lời đề nghị, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã lệnh cho ông Lê Văn Định - Thương tá canh nông Hà Đông xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện việc mộ dân vào khai hoang lập ấp tại Đà Lạt.
Ông Định đã lập một chương trình cổ động trên báo chí về tiềm năng của vùng đất cao nguyên Đà Lạt và chủ trương mộ dân. Nhờ đó mà cụ Ngô Văn Bính đã đọc được thông tin đăng trên báo La Voulte. Ông Định cũng vay 500 đồng từ quỹ của Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ để thực hiện các công việc phục vụ cho đợt di dân này.
Số tiền vay được, ông trích ra 300 đồng gửi vào Đà Lạt cho Quản đạo Trần Văn Lý chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm ổn định cuộc sống ban đầu cho dân di cư, phần còn lại để mua vé tàu hỏa và cấp cho những người được tuyển chọn vào có chút vốn chi tiêu và mua sắm công cụ. Nhờ cổ động tích cực, công việc tuyển chọn đạt kết quả tốt.
Đầu năm 1938, ông Định đã lựa được mấy chục người và giao cho các chuyên viên canh nông hướng dẫn thêm về canh tác rau, hoa. Ngày 31-5-1938, nhóm đầu tiên gồm 35 người là những cư dân thuộc các làng Quảng Bá, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc, Nghi Tàm (Hà Đông cũ) đặt chân lên đất Đà Lạt.
Sự có mặt của họ đã đánh dấu cho sự hình thành một vùng cư dân mới của thành phố cao nguyên, là một minh chứng sinh động về ý chí của người Hà Nội xưa đi dựng xây quê mới, mở mang bờ cõi. Đến đầu năm 1939 có thêm 19 người vào; từ năm 1940 đến 1942 lại có thêm 47 người nữa.
Dân cư ngày càng đông hơn và cuộc sống trên vùng đất mới đã bắt đầu ổn định, những lưu dân xa xứ có nhu cầu hình thành một đơn vị hành chính riêng. Ban đầu, cư dân ở đây đề nghị được lấy tên ông Hoàng Trọng Phu làm tên ấp nhưng ông đã từ chối lời đề nghị này và gợi ý nên lấy tên Hà Đông đặt cho ấp để con cháu mai sau nhớ về cội nguồn, gốc gác của mình…
Những tư liệu trên đây về cái thời người hồ Tây “gánh tên xã, tên làng” theo cuộc di dân về phía phương nam chỉ là những dòng khô khan xin mạn phép ghi lại. Như những gì mà các lão bối trong làng hồi tưởng, cuộc đấu tranh mở mang đất mới của những người con Hà thành buổi khởi nghiệp, lập cư trên vùng đất xa lạ vô cùng gian nan. Bốn phía âm u rừng núi, họ đối mặt với thiên nhiên hoang dã, với mưa rừng, gió núi, nước độc và thú dữ. Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn trăm bề trong ngày đầu chưa quen khí hậu và thổ nhưỡng. Não nề hơn là nỗi nhớ cố hương, người thân da diết.
Thế rồi, họ đã vượt qua tất cả bằng nghị lực và ý chí của người Hà thành. Ngô Văn Bính là một trong những người như thế. Năm đó, Bính vào, một mình chống chọi với mọi điều bằng nỗi khao khát thành công. Chỉ một năm sau, anh viết thư về động viên bố mẹ và cả gia đình cùng vào. Khi đi, bố Bính là ông Ngô Văn Ất đã mang theo 2.000 củ hoa lay-ơn giống.
Từ số củ hoa ấy, gia đình đã có một vườn hoa nở rộ, mang lại một nguồn thu nhập cao hơn cả trong mơ. Với bốn xu một củ giống, chỉ hai tháng sau đã có hai hào một cây hoa, và cho thu nhập tới 400 đồng bạc Đông Dương, trong khi thời giá hai đồng một tạ gạo. Tiếp đó, gia đình cụ lại thắng lớn về quả dâu tây với 1,5 đồng một cân mà hằng ngày thu hoạch hàng chục cân.
Nạn đói năm 1945, gia đình Bính đã gửi về quê nhà Quảng Bá hai tấn gạo để giúp người làng trong cơn hoạn nạn. Chính phủ Nam Triều thời đó đã thưởng cho ông Ngô Văn Ất “Bảo quốc huân chương” và phong “cửu phẩm bá hộ”. Có thể nói, gia đình này cùng với những nông dân của ấp Hà Đông đã góp công lớn trong việc khởi nghiệp trồng hoa trên cao nguyên Lâm Viên, để hôm nay Đà Lạt trở thành một vùng hoa chuyên canh nổi tiếng trong và ngoài nước…
★★★
Từ năm 2017, Thành ủy Đà Lạt đã ban hành nghị quyết “Phát triển các làng hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Chính quyền thành phố cũng đưa ra quyết định phê duyệt Đề án phát triển làng hoa Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt. Vận hội mới của làng hoa Hà Đông được đề cập trong mục tiêu chung của đề án quan trọng này: “Áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại làng hoa Hà Đông.
Phấn đấu xây dựng làng hoa Hà Đông trở thành điểm tham quan du lịch có chất lượng, phục vụ khách thông qua xây dựng các tuyến, tour du lịch đến các khu trồng trọt, các điểm, các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn…”.
Trò chuyện với người dân làng hoa Hà Đông hôm nay, càng hiểu thêm tâm huyết giữ gìn và phát triển nghề truyền thống mà cha ông họ đã dày công khởi dựng. Nông dân Tạ Minh Quân là người trồng hoa thế hệ thứ ba ở làng. Với 4.000 m2 đất, vợ chồng anh đã có hơn 20 năm theo đuổi với nghề. “Cũng có bận lao đao, có lúc tưởng chừng vỡ nợ, do tính toán chưa kỹ và đầu tư không đúng hướng”, Quân kể.
Nhưng từ những kinh nghiệm đắt giá bởi thất bại, từ năm 2006 đến nay, nhà vườn Tạ Minh Quân đã liên tục gặt hái thành công. Hoa cúc trồng trong nhà kính của anh tiêu thụ nhiều ở thị trường trong nước và bảo đảm tiêu chuẩn cung cấp cho Công ty Rừng hoa Đà Lạt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ở làng Hà Đông, trang trại hoa hồng môn của nghệ nhân Vũ Nhuần cũng là một địa chỉ nổi tiếng. Gia đình ông vừa sản xuất, cung ứng hoa thương phẩm ra nhiều thị trường, vừa khai thác du lịch trải nghiệm tại vườn.
Tự hào với lịch sử nghề hoa của làng và sự nghiệp làm giàu trên mảnh đất ông cha khai phá, ông Vũ Nhuần nói: “Gia đình tôi ba đời đều làm nghề trồng hoa. Tại làng, tôi là người đầu tiên ứng dụng công nghệ trồng hoa trong nhà kính. Chúng tôi đang tập trung đầu tư ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới, chọn giống mới sản xuất nhằm đem lại sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn. Tôi nghĩ rằng, bề dày lịch sử, truyền thống nghề trồng hoa của làng luôn hấp dẫn du khách khi họ đến với thành phố hoa…”.
“Người làng tôi vẫn giữ được những nét văn hóa của làng xưa, quê cũ chú ạ. Những buổi tế đình, cúng họ, những phong tục, tập quán từng có từ thời xưa nơi bản quán, cố hương vẫn được giữ cái nếp, cái lệ ở nơi quê mới này. Chúng tôi coi đó là điều trân quý, cố gắng giữ gìn cho con cháu mai sau”.
Đó là tâm sự của ông Phan Hữu Giản, một người quê gốc ở làng Tứ Liên gần mạn hồ Tây. Chuyện ông Giản cũng lạ. Ông vốn là cán bộ lãnh đạo thời xây dựng vùng kinh tế mới của người Hà Nội tại Lâm Đồng. Khi huyện Lâm Hà thành lập trên nền “vùng kinh tế mới”, ông làm Bí thư Huyện ủy nhiều năm, sau đó chuyển lên làm Bí thư Thành ủy Đà Lạt rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng. Về hưu, ông chọn đất làng Hà Đông an cư.
Ông Giản nói với tôi: “Tuổi già không thể trở về nơi chôn rau cắt rốn nên chọn nơi này sống những ngày còn lại của cuộc đời. Được hít thở giữa không gian làng ấp, hòa mình hằng ngày với đời sống bà con đồng hương, được nói giọng gốc với người cùng quê... cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà”.
Thành phố Đà Lạt đã ở tuổi 128 và làng hoa Hà Đông cũng đã có lịch sử 83 năm. Qua bao thăng trầm thời gian, người hồ Tây đi lập nghiệp trên vùng đất cao nguyên vẫn giữ nguyên cốt cách hào hoa, thanh lịch và bản tính cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó. Họ mang theo giọng nói gốc của người Hà Nội xưa và “gánh” vào Tây Nguyên những nét văn hóa ngàn năm sông Hồng.
Họ hòa mình vào thế núi, dáng sông, vào đời sống của cộng đồng cư dân quê mới. Họ góp công sức, máu xương để bảo vệ và kiến thiết cho thành phố cao nguyên ngày một phồn vinh. Nhưng có một điều mà tôi cảm nhận hết sức rõ ràng, người hồ Tây đi xa lập nghiệp đã qua nhiều thế hệ vẫn bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhắc nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, nguồn cội cố hương…