Thứ tư, 18/05/2022,10:12 (GMT+7)
Có nên kéo lưỡi để ngăn “nuốt lưỡi” khi va chạm trong bóng đá?
Ở đầu hiệp 2 trận đấu giữa U23 Lào và U23 Campuchia, thuộc bảng B môn bóng đá nam SEA Games 31 vừa qua, sau một tình huống tranh chấp bóng trên không dẫn tới va chạm mạnh giữa đầu của cầu thủ Phat Sokha của U23 Campuchia với đầu của Viengkham U23 Lào.
 
Sokha ngã ra sau, nằm bất tỉnh. Ngay lập tức, Viengkham chạy tới và hình như đã đưa tay vào miệng Sokha để cấp cứu, ngăn nạn nhân không "nuốt lưỡi" làm ngạt thở nguy hiểm. Sau đó, đội y tế cũng kịp thời có mặt để sơ cứu cho cầu thủ Campuchia. Rất may, sau vài phút Sokha đã tỉnh lại và tiếp tục đá bóng. Hành động sơ cứu của Viengkham sau đó được cư dân mạng ngợi khen.
 
Có nên kéo lưỡi để ngăn nuốt lưỡi khi va chạm trong bóng đá? - Ảnh 1.
Theo Medical News Today, các nhà khoa học khẳng định con người không thể nuốt được lưỡi của chính mình.
 
Lưỡi bị nuốt không có nghĩa là lưỡi đi vào cổ họng theo nghĩa đen, mà là một tình trạng khiến cả khối cơ lưỡi dịch chuyển về phía sau. Khi nạn nhân bất tỉnh, khối cơ lưỡi mất hết trương lực, bị liệt cơ và giãn ra khiến lưỡi thay đổi vị trí và có khả năng đóng bít đường thở. Tình trạng này khá nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân. Bởi vì nếu đường hô hấp bị lưỡi cản trở, nó có thể chặn luồng không khí từ mũi và miệng vào phổi, khiến phổi không được trao đổi ôxy.
 
Những người bị tụt lưỡi ra phía sau, phải được sơ cứu kịp thời và thích hợp. Có 2 thao tác được khuyến nghị, nâng cằm hoặc đẩy hàm. Cả 2 kỹ thuật này đều không liên quan đến việc đặt ngón tay của người cấp cứu vào bên trong miệng của nạn nhân.
 
Nâng cằm hoặc đẩy hàm
Khi đó, người cấp cứu hết sức bình tĩnh, nhanh chóng để nạn nhân nằm ngửa trên mặt sân, dùng tay nâng cằm hoặc đẩy hàm dưới của nạn nhân lên, ngửa đầu ra sau. Lưỡi sẽ trở lại vị trí bình thường và đường thở sẽ mở. Không nên sử dụng ngón tay kéo lưỡi, vì có thể vô tình đẩy lưỡi ra phía sau sâu hơn, có khi gây chấn thương vùng miệng hầu, răng của nạn nhân. Nếu trong miệng nạn nhân có nhiều đàm nhớt, nên nhẹ nhàng xoay nạn nhân nằm nghiêng qua một bên để đàm nhớt chảy ra làm thông thoáng đường thở. Sau khi nâng cằm làm thông thoáng đường thở của nạn nhân mà nạn nhân vẫn chưa tỉnh, chưa tự thở được, người cấp cứu tiến hành hồi sức tim phổi theo các bước cụ thể như sau:
 
Ép ngực
Đặt nạn nhân nằm ngửa, người cấp cứu quỳ bên cạnh. Đặt gót bàn tay của mình lên giữa ngực, giữa 2 núm vú của nạn nhân. Tay kia đặt nằm trên bàn tay đầu tiên, sau đó tiến hành ấn thẳng xuống ngực ít nhất 5 cm với tốc độ 100 đến 120 lần/phút.
 
Thổi ngạt
Người cấp cứu thổi không khí vào miệng nạn nhân. Đầu tiên bịt mũi nạn nhân, người cấp cứu hít sâu bằng miệng. Sau đó đưa miệng của mình vào miệng nạn nhân và thổi vào.
 
Một chu kỳ hô hấp nhân tạo bao gồm 30 lần ép ngực và 2 lần hít thở. Lưu ý cẩn thận không thổi quá nhiều hoặc cố gắng hết sức sẽ gây tổn thương cho nạn nhân. Tiếp tục thực hiện ép ngực và thổi ngạt cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu cử động được hoặc khi có nhân viên y tế đến.
 
Tóm lại, nuốt lưỡi là tên gọi dân gian của hiện tượng "tụt lưỡi hoặc tụt khối cơ lưỡi". Đây là một hiện tượng rất hay gặp ở những người bị đột quỵ, co giật, đặc biệt là trong khi chơi thể thao như đá bóng. Nuốt lưỡi thường xảy ra khi một người đột ngột rơi vào trạng thái bất tỉnh, cơ lưỡi bị liệt, giãn ra, tụt xuống và có thể gây tắc nghẽn đường thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng phương pháp thì nạn nhân rất dễ tử vong. Vì vậy, khi gặp người bị nuốt lưỡi, bạn cần bình tĩnh để tiến hành các bước sơ cứu đúng cách.
 
Bác sĩ Nguyễn Thành Úc (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu