Thứ sáu, 10/07/2020,13:53 (GMT+7)
Có những tấm lòng như thế!
Ở rạch sông Ông Chưởng có một nông dân nuôi hàng ngàn cá tra sông tự nhiên trước bến sông nhà chỉ để ngắm. Đó là anh Đinh Vũ Tâm (sinh năm 1970, ngụ tại ấp Long Hòa 2, xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang) từ ngẫu nhiên rửa tay đàn cá con bu quanh, thấy vậy anh cho ăn mỗi ngày, đến nay đã dẫn dụ được đàn cá tra quý hiếm, cá vồ, cá chim trắng, cá he... tìm đến trú ngụ dưới bến sông nhà với số lượng hàng ngàn con thường xuyên lên ăn mồi, dù không rào chắn.
 
Việc làm này không phải ai cũng làm được bởi nguồn lợi kinh tế từ cá khá lớn. Hành động của anh góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản thiên nhiên mà ngành chức năng đang nỗ lực giữ gìn. Anh Tâm cho biết: "Từ Tết đến nay đàn cá kéo đến mỗi ngày càng đông, nay lên đến hàng tấn cá tra quý hiếm, cá vồ, cá chim trắng, cá heo... do được cho ăn hàng ngày và những người dân xung quanh bảo vệ".
 
Lúc đầu, đàn cá đến thấy "cưng" quá nên anh quyết định nuôi và bảo vệ đàn cá. Anh Tâm kể: "Từ hôm 30 Tết, tôi xuống ghe rửa tay, thấy đàn cá bu lại đông, có con chỉ bằng ngón tay, xòe tay ra cá lội lên tay. Lúc đó tôi chưa biết cá vồ, thấy cá còn nhỏ tưởng cá xác. Sáng hôm sau, xuống rửa tay, cá bu lại nhiều hơn. Sẵn trong nhà có bọc thức ăn nuôi cá kiểng tôi lấy rải cho cá ăn thử, cá đớp liên tục.
 
Từ đó mỗi ngày tôi đều cho cá ăn, một tuần lễ sau đàn cá ngày một đông, không ước lượng được bao nhiêu, gồm đủ loại, cá vồ nhiều con lớn đến 2kg, cá chim trắng, cá he 1-2 ngón tay. Đàn cá quen đến độ anh có thể sờ vào đầu chúng mỗi khi cho ăn và xem đó như một niềm vui".
 
Anh Tâm mua ghe đậu để cá trú ngụ và bắc cầu thép cho người dân đi xuống xem cá an toàn
 
Ban đầu, mỗi ngày anh xuất tiền túi 235.000 đồng mua 1 bao thức ăn cho cá. Đến khi nghe thông tin, mỗi ngày người dân trong, ngoài xã hiếu kỳ đến xem khá đông và tận mắt coi, rất thích thú, vừa cho ăn, vừa ngắm cá.
 
Anh Tâm cho biết: "Lúc chưa có khách tham quan thì mỗi ngày cho ăn 2 cữ sáng, chiều 1 bao thức ăn. Khi nhiều khách đến tham quan thì cho ăn nhiều lần. Trong nhà thường dự trữ không dưới 20 bao thức ăn cho cá. Hiện, bình quân mỗi ngày xuất tiền túi hơn 600.000 đồng mua 2-3 bao thức ăn cho cá. Có khách còn gửi tiền thức ăn nhưng tôi không nhận, nên có người tự mua thức ăn mang tới cho cá. Nhờ cho ăn thường xuyên, từ đàn cá nhỏ ban đầu, đến nay đàn cá kéo đến ở có con nặng khoảng 2-3kg/con".
 
Anh Tâm chia sẻ: "Tôi làm nghề chạy tàu, chở vịt chuyển đồng và làm 20 công ruộng. Ban đầu vợ chồng tính bỏ riêng 1 chiếc tàu neo lại để nuôi bầy cá vì khi tàu đi không thấy cá đâu, nhưng khi tàu về thì cá cặp vô tàu. Thấy vậy, để cá có nơi trú ngụ, tôi mua luôn 1 chiếc ghe hơn 20 triệu đồng neo dưới sông, cùng với lục bình, và bắt cầu thép (thay cầu gỗ yếu), căng dây làm tay vịn cho người dân đi xuống xem cá an toàn. Tôi coi đàn cá như "thú cưng", cảm thấy rất vui nên có ý định nuôi hoài và không hề bắt ăn, dù chỉ 1 con".
 
 
Việc chăm sóc, bảo vệ đàn cá sông tự nhiên của anh Tâm xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện vì môi trường. Đây là hành động đẹp, xuất phát từ cái tâm làm việc thiện, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, đàn cá có nguy cơ bị tận diệt nếu như không có sự bảo vệ tích cực từ phía chính quyền địa phương và ngành chức năng. Do gần đây khi có thông tin đàn cá tập trung đông, xuất hiện một số ghe cào điện, xuyệt điện trái phép, lén lút đánh bắt vào ban đêm.
 
Anh Tâm chia sẻ: "Gần đây, vào lúc nửa đêm có nhiều người đến xuyệt, cào điện, giăng lưới, xúc bắt cá, đủ kiểu hết. Tôi có nói với anh em, có bắt thì bắt ngoài xa giùm, nhưng có người vào đây bắt cá. Tôi có báo với chính quyền địa phương, mấy anh nói khi nào có cho hay, nhưng khổ là hoạt động bắt cá thường vào khoảng 2-3 giờ sáng, lúc đó điện cho anh em hơi kỳ. Với lại, không biết anh em đánh bắt gia đình có thoải mái không hay chạy ăn gạo hàng ngày, nhỡ họ bị phạt cũng tội người ta...".
 
Dân miền Tây là vậy, chân chất, thật thà, với quyết tâm gìn giữ đàn cá này, không chỉ mục đích giải trí đơn thuần, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn loài cá đặc trưng của vùng sông nước; hạnh phúc khi thấy việc mình làm có ích và trăn trở làm sao để bảo vệ để cá không bị người khác xâm hại.
 
HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu