Thứ năm, 16/05/2019,14:02 (GMT+7)
Công bố nghiên cứu giải pháp nuôi tôm hiệu quả
Mới đây, nhóm các nhà khoa học gồm TS Phan Thanh Lâm, KS Nguyễn Văn Phụng, ThS Đoàn Văn Bảy ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã công bố nghiên cứu tổng hợp giải pháp nuôi tôm hiệu quả khi điều kiện nuôi ở từng vùng miền, hứa hẹn mang đến lợi ích rất lớn cho ngành và bà con nuôi tôm.

Ảnh minh họa

Mỗi mô hình một kỹ thuật

Nghiên cứu tiến hành ở các hộ và trang trại nhiều năm nuôi tôm thành công, gồm tôm sú quảng canh cải tiến (QCCT), bán thâm canh và thâm canh (BTC-TC); TTCT BTC-TC. Các hộ được điều tra ở ĐBSCLL và miền Nam, Trung, Bắc. Hầu hết các hộ nuôi tôm BTC-TC có đầu tư lớn, chú trọng làm ao lắng, ao chứa chất thải: ao nuôi rộng 2.500 - 3.500 m2/ao, mỗi hộ có 2 - 6 ao nuôi. Còn nuôi QCCT diện tích lớn hơn, một hộ có 2 - 3 ha. Nuôi tôm sú phổ biến ao đất, còn nuôi TTCT hầu hết lót bạt bờ hoặc cả đáy.

Với nuôi BTC-TC, các hộ chuẩn bị nước trước khi thả giống bằng cách lọc (sử dụng lưới mắt nhỏ hoặc túi lọc), diệt tạp bằng Saponin, diệt giáp xác, diệt khuẩn và bón phân gây màu. Với nuôi BTC, chuẩn bị nước cho ao nuôi chủ yếu diệt cá tạp và Saponin vẫn là loại hóa chất chính, nhiều hộ bón phân gây màu.

Chọn và thả giống, nuôi BTC-TC đều xét nghiệm tôm giống trước khi mua và thả, còn nuôi QCCT mới có 52%. Việc ương tôm trước khi thả ao nuôi được nhiều hộ thực hiện, ương trong vèo hoặc ương trong ao; thời gian ương tôm giống, nuôi QCCT là 10 - 30 ngày, còn lại 30 - 60 ngày. Mật độ thả tôm giống, với nuôi TTCT TC khi thả trực tiếp là 205 PL/m2 còn sau khi ương là 155 PL/m2, với nuôi tôm sú QCCT bên cạnh tôm sú giống còn thả thêm cua giống.

Việc quan trắc môi trường và quản lý nước được các hộ chú trọng. Các hộ nuôi tôm BTC-TC còn định kỳ diệt khuẩn nước ao nuôi bằng vi sinh hoặc kết hợp với hóa chất. Riêng nuôi tôm TC thực hiện thêm việc siphon đáy ao trong quá trình nuôi, tỷ lệ là 20% và 94% số hộ nuôi tôm sú và TTCT.

Không thay nước và hạn chế thay nước trong tháng đầu khá phổ biến ở các hộ. Từ tháng nuôi thứ 2 thì xu hướng hạn chế thay nước vẫn chiếm đa số (phổ biến hơn là cấp bù thêm nước vào ao nuôi). Với nuôi BTC-TC, phổ biến thay nước và cấp bù thêm nước với tần suất hàng tuần và 2 tuần/lần, tỷ lệ nước cấp khoảng 15 - 20%/lần. Riêng nuôi TTCT TC mật độ thả cao thì tần suất thay nước phổ biến là hàng ngày và hàng tuần. Nguồn nước để cấp bù hoặc thay là từ ao lắng, một số hộ sử dụng nước từ ao nuôi cá rô phi, cá mú.

Hiệu quả thấy rõ

Kiểm tra mối tương quan giữa năng suất nuôi và từng yếu tố định tính có liên quan đến kết quả sản xuất, nghiên cứu ghi nhận như sau:

Nuôi tôm sú BTC: năng suất tôm nuôi cao hơn khi tiến hành ương tôm giống trước khi thả sang ao nuôi, chỉ cấp bù nước cho ao nuôi, sử dụng vi sinh hoặc kết hợp vi sinh và hóa chất định kỳ để diệt khuẩn. Có theo dõi các chỉ tiêu liên quan đến bệnh tôm để phòng trị bệnh, có xử lý hóa chất/thuốc khi phát hiện tôm bị bệnh.

Với nuôi tôm sú TC: năng suất tôm nuôi cao hơn khi tiến hành ương tôm giống trước khi thả sang ao nuôi, có áp dụng hệ thống sục khí và siphon đáy. Chỉ cấp bù nước cho ao nuôi, kết hợp vi sinh và hóa chất hoặc sử dụng vi sinh định kỳ để diệt khuẩn. Có theo dõi các chỉ tiêu liên quan đến bệnh tôm để phòng trị bệnh, có xử lý hóa chất/thuốc khi phát hiện tôm bị bệnh.

Với nuôi TTCT BTC: năng suất tôm nuôi cao hơn khi áp dụng ao lót bạt bờ hoặc bạt bờ/bạt đáy, chỉ cấp bù nước cho ao nuôi. Kết hợp vi sinh và hóa chất hoặc sử dụng vi sinh định kỳ để diệt khuẩn. Có theo dõi các chỉ tiêu liên quan đến bệnh tôm để phòng trị bệnh.

Với nuôi TTCT TC: năng suất tôm nuôi cao hơn khi tiến hành ương tôm giống trước khi thả sang ao nuôi, áp dụng ao lót bạt bờ hoặc bạt bờ/bạt đáy. Có áp dụng hệ thống sục khí và siphon đáy, chỉ cấp bù nước cho ao nuôi, kết hợp vi sinh và hóa chất hoặc sử dụng vi sinh định kỳ để diệt khuẩn. Có theo dõi các chỉ tiêu liên quan đến bệnh tôm để phòng trị bệnh, có xử lý hóa chất/thuốc khi phát hiện tôm bị bệnh.

Với nuôi tôm sú QCCT: năng suất tôm nuôi cao hơn khi ao/đầm nuôi có thể tháo cạn để phơi khô. Tiến hành ương tôm giống trước khi thả sang ao nuôi, tiến hành diệt cá tạp, đảm bảo mức nước tránh rong tảo đáy phát triển. Sử dụng thức ăn viên, chỉ cấp bù nước hoặc thay nước, sử dụng vi sinh định kỳ để diệt khuẩn. Có theo dõi các chỉ tiêu liên quan đến bệnh tôm để phòng trị bệnh.

>> Theo ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, hiện nay việc ứng dụng các sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đang được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm ổn định và phát triển bền vững. Người nuôi lưu ý khi sử dụng các loại chế phẩm sinh học cần chú ý đến xuất xứ và sản phẩm phải có tên trong danh mục được phép lưu hành, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sáu Nghệ - (Thủy sản Việt Nam)
T/h: Hồng Diễm - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu