Thứ bảy, 04/06/2022,09:31 (GMT+7)
Công bố sản xuất thành công vắc-xin dịch tả heo châu Phi
Ngày 3-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức lễ công bố sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi có tên là NAVET-ASFVAC, do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất.
 
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, bộ đã chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp (DN) có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm như Công ty NAVETCO, Công ty AVAC và Công ty Dabaco phối hợp với các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Mỹ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Ngay sau khi tiếp nhận chủng ASFV-G-∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 9-2020, Công ty NAVETCO đã triển khai nghiên cứu và đáp ứng yêu cầu sau 5 lần thử nghiệm. Thời hạn miễn dịch của vắc-xin khoảng 6 tháng sau tiêm. Vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO là vắc-xin đầu tiên được phép lưu hành thương mại của Việt Nam và cả trên thế giới.
 
Tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết 1,7 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang rất háo hức, trông chờ thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam. Theo bộ trưởng, đối với mỗi hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đàn heo từ 1-9 con là tài sản có thể quy ra cơm, gạo, rau thịt, quần áo, thuốc men cho gia đình. Ông Lê Minh Hoan kêu gọi các doanh nghiệp khi thương mại hóa sản phẩm thuốc thú y như vắc-xin dịch tả heo châu Phi cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cân bằng giữa lợi nhuận và giá thành để người dân dễ tiếp cận, ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn.
 
Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty NAVETCO, cho hay công ty có quy mô sản xuất trên 50 triệu liều/năm. Trong giai đoạn đầu tiên, công ty ưu tiên giải quyết nhu cầu trong nước, sau đó sẽ có kế hoạch xuất khẩu. Dự kiến vắc-xin này có giá từ 34.000 - 36.000 đồng/liều. Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức giám sát việc sử dụng vắc-xin theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vắc-xin và đáp ứng miễn dịch bảo hộ. Giai đoạn 2: Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vắc-xin, bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng ở phạm vi toàn quốc.
 
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu