Đón đầu làn sóng mới
Công trình khởi công vào thời điểm dịch Covid-19 nên có sự khác biệt: không tổ chức lễ khởi công rầm rộ, nhưng đúng hẹn các đơn vị được giao nhiệm vụ thi công, bắt tay thực hiện.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản, đây là công trình mang tính bước ngoặc thay đổi của khu vực. Ông Hùng, chủ Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Lập Phúc, tỏ ra phấn khích khi nghe tin khởi công, liên tục gọi điện thoại kêu gọi khách hàng bắt tay xây dựng nhà ở, vì “thời cơ đến rồi”.
Ngay khi nghe thông tin dự án hầm Nguyễn Văn Linh khởi công, Công ty CP Bất động sản Khải Minh Land đã tung dự án căn hộ cao cấp La Partenza mặt tiền đường Lê Văn Lương để đón đầu làn sóng các nhà đầu tư, khách hàng đổ về khu Nam mua căn hộ an cư. Được biết dự án này có tổng số gần 1.300 căn hộ và hiện đã được khách hàng đặt mua khác nhiều.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều công ty môi giới hoạt động ở khu Nam cũng hồ hởi chào mời khách hàng dự án nhà ở cũ và mới qua điện thoại, mạng xã hội, hứa hẹn qua dịch covid- 19 sẽ tiến hành giao dịch. Anh Tuân, giám đốc Công ty môi giới Tài Tuân cho biết, sau khi khởi công xây dựng nút giao thông, nhân viên công ty nhận rất nhiều cuộc gọi, sự quan tâm từ khách hàng. Nhiều chủ đầu tư cũng hẹn lịch gặp sắp tới để tung sản phẩm ra thị trường.
Một đại dự án đang rục rịch khởi động, hứa hẹn tạo ra bước đột phá đô thị cho khu Nam. Đó là Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về phương án giải quyết kiến nghị của TPHCM đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu đô thị tại phường Phú Thuận, Quận 7, còn gọi là dự án Saigon Peninsula, tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư siêu đô thị kết hợp với công viên quy mô lớn tại TPHCM nhưng vướng thủ tục đầu tư trong nhiều năm qua.
2025 lên quận
Thật ra, hạ tầng giao thông khu Nam thông suốt, chắc chắn huyện Nhà Bè là địa phương hưởng lợi trực diện. Nếu lấy trục đường Nguyễn Hữu Thọ từ quận 7 xuyên qua huyện Nhà Bè, đây là con đường có những dự án trị giá nhiều chục tỷ đô la Mỹ đang nằm đợi. Nổi trội lên là dự án GS (đổi đất lấy hạ tầng cho tuyến đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi…) với diện tích 350ha đang triển khai giai đoạn 1. Ngay sát bên đó là khu đô thị - cảng Hiệp Phước, siêu đô thị được quy hoạch có diện tích 3.911ha từng thu hút những tập đoàn lớn trên thế giới đến tìm hiểu đầu tư.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, trong quá trình đô thị hóa huyện Nhà Bè, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông là việc đầu tiên cần phải làm, tạo nên cú hích về mặt kết nối. Cụ thể, ngoài việc xây dựng nút giao thông quan trọng này, TP đã có chủ trương mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, nối Nhà Bè lên trung tâm quận 7...
Một vấn đề đặc biệt đối với huyện Nhà Bè là giấc mơ lên quận. Câu chuyện huyện Nhà Bè lên quận được nhắc rất nhiều trên các cơ quan truyền thông. Gần đây nhất, vào tháng 3 vừa rồi, tại buổi làm việc của lãnh đạo TP với huyện, con số báo cáo tại buổi họp cho thấy cả huyện Nhà Bè chỉ còn 200 hộ dân làm nông nghiệp! Do đó, lãnh đạo TP đặc biệt lưu ý, nếu huyện xây dựng kế hoạch rõ ràng hơn thì cuối năm 2025 sẽ trở thành một quận. Đương nhiên với số hộ dân làm nông nghiệp ít ỏi như vậy, cơ hội huyện Nhà Bè lên quận sẽ sáng sủa hơn.
Một trong những điểm yếu của huyện Nhà Bè lâu nay là bị ngập do triều cường. Tuy nhiên, theo kế hoạch vào giữa năm nay, dự án chống ngập giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào vận hành. Đường Lê Văn Lương cũng đã có dự án nâng cấp, mở rộng đường. Đường Lê Văn Lương sẽ được quy hoạch kéo dài hơn 10km, có điểm đầu giáp quận 4, đi qua quận 7, Nhà Bè đến điểm cuối Long Hậu, Cần Giuộc. Đoạn qua quận 7 được mở rộng lên 6-8 làn xe, lộ giới của đoạn này là 40m. Đoạn qua Nhà Bè sẽ xây mới cả 4 cầu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi, trong đó cầu Long Kiểng đang trong quá trình thi công.
BÌNH MINH - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)