Lễ Quốc khánh 2-9, tôi đi Ban Mê Thuột, định ghé Đà Lạt sau đó nhưng thấy hình ảnh Đà Lạt ngập lụt sau trận mưa cực lớn ngày 1-9, đành bỏ ý định đến nơi mà tôi từng ở và làm việc với đầy ắp kỷ niệm.
Hơn 3 năm ở Đà Lạt trong những năm 80, tôi chưa từng chứng kiến cảnh ngập lụt như vậy. Đà Lạt, Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương, như một "trạm quan trắc thời tiết" tự nhiên, mỗi khi biển Đông có cơn áp thấp, Đà Lạt, Tây Nguyên ngay lập tức có mưa cực lớn và gió bão cực đoan.
Hơn 3 năm ở Đà Lạt, tôi từng chứng kiến cảnh thác Cam Ly ầm ầm gào thét, hay sông Đa Nhim (Đơn Dương) xả lũ ầm ầm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh Đà Lạt ngập lụt. Bây giờ thì khác, Đà Lạt, Hà Giang, thậm chí Phú Quốc cũng ngập lụt.
Nguyên nhân ngập lụt ở Đà Lạt như hôm nay, đơn giản, đó là thiên tai và nhân tai, trong đó nhân tai là chủ yếu.
Với Đà Lạt, cách nay hơn 30 năm gần như rất ít nhà kính, nay trong tổng diện tích 18.000 ha đất sản xuất nông nghiệp có khoảng 10.000 ha nhà kính thì những trận mưa lớn tạo nên những dòng suối chảy xiết quanh các trang trại, trôi nhanh ra các con suối, trong khi nước ngầm lại cạn kiệt, đất đai bạc màu. Đó là chưa kể nhiều vùng ngoại ô Đà Lạt trước kia hoang vu, nay nhà cửa mọc chi chít kèm với đó là những ô nhà kính rợp trời.
Bê tông hóa cũng là nguyên nhân làm cho nước mưa không thể thẩm thấu, đổ ầm ầm xuống dòng thác Cam Ly, tàn phá cảnh quan Đà Lạt, vốn được mệnh danh là nơi "cho người này niềm vui, cho người kia mát lành". Bê tông hóa với mật độ xây dựng quá cao ở vùng nội ô làm cho những cánh rừng thông bị đẩy ngày càng xa thành phố, biến Đà Lạt gần giống như những thành phố khác.
Đà Lạt đang đối mặt với tình trạng mưa thì có lũ; nắng thì hạn hán, kiệt nước, làm cho không khí Đà Lạt ngày càng khô khốc.
Một nguyên nhân khác khiến Đà Lạt ngập lụt đó là rác. Người dân vô tư xả rác xuống thác Cam Ly, làm tuyến suối dài hơn 70km, chảy xuyên qua Đà Lạt ô nhiễm, sau đó đổ vào hệ thống sông Đồng Nai. Xử lý rác một cách căn cơ, phải cần những nhà máy điện rác, chớ không phải chôn lấp như nhiều đô thị, địa phương đang làm. Cứ nhìn những bãi biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa… sau một trận lũ lụt, lượng rác kinh hoàng phủ kín bãi biển mới thấy sự đe dọa khủng khiếp của nó.
Ai đã từng đến Đà Lạt trước 1975 và khoảng 10 năm sau đó, bây giờ nếu trở lại Đà Lạt đều khó nhận ra thành phố mà mình say đắm. Hiện nay Đà Lạt chỉ mát mẻ, lạnh ngọt vào mùa đông hoặc vào buổi tối, trừ mùa khô.
Ngay cả những đám mây lang thang trong sương khói Đà Lạt huyền ảo ngày nào cũng ngày càng ít đi. Đà Lạt đang khô khốc, thiếu sương mờ và những đóa hoa tường vi, mimosa kém lãng mạn đi trong cái không gian bị đè nén đó.
Người Pháp quy hoạch Đà Lạt cho khoảng 20.000 dân và hạ tầng cũng chỉ cho chừng ấy dân số nhưng nay Đà Lạt đã có dân số hơn 200.000 người, chưa kể hàng trăm ngàn khách du lịch, thì hạ tầng nào chịu nổi.
Người đứng đầu các cơ quan quản lý tỉnh Lâm Đồng vẫn không chịu công nhận những nguyên nhân nêu trên và lý giải rằng Đà Lạt chỉ ngập cục bộ khi có mưa lớn cực đoan (?!).
Nếu không giải được bài toán tác động xấu từ bê tông hóa và nhà kính ở nội ô lẫn vùng ngoại ô; nếu không xử lý được rác, Đà Lạt sẽ "biến mất" trong những năm tới đây.
Đã có nhiều hội thảo về quy hoạch Đà Lạt, nhưng quy hoạch tối ưu cho Đà Lạt vẫn còn đó. Việc mở rộng Đà Lạt về Cầu Đất, dưới chân đèo Prenn, Đức Trọng, Suối Vàng… là rất quan trọng nhưng phải có một tầm nhìn quy hoạch khoa học, chứ không phải để xí đất làm bất động sản, lấy tiền bỏ túi, "sống chết mặc bay".
Dẫu rất muộn nhưng Đà Lạt như một người đẹp còn nhiều nét đẹp tiềm ẩn, đang rất cần một quy hoạch khoa học xứng tầm, kể cả phải thuê người Pháp thực hiện cũng phải làm, càng sớm càng tốt. Nếu không, chúng ta sẽ "mất" Đà Lạt chỉ trong vài thập kỷ nữa mà thôi!
Đừng để Đà Lạt rồi đây chỉ còn trong ký ức. Tội này lớn lắm, với thế hệ con cháu chúng ta!