Điển hình như cây thốt nốt, loại cây nổi tiếng nhất vùng Bảy Núi, trước kia chỉ đơn giản sử dụng để lấy nước làm đường thốt nốt và bán trái tươi, nhưng nay đã có nhiều sản phẩm độc đáo từ thốt nốt, như: nước thốt nốt, đường thốt nốt, mứt, chè, bánh bò, rượu, đũa, chén, thạch thốt nốt… được nhiều người biết đến và có mặt trong các siêu thị lớn.
Cây chúc là loại đặc sản ở vùng Bảy Núi. Trước đây, cây chúc rất quý vì nó chỉ còn tồn tại một số ít phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Chính vì mùi thơm độc đáo của lá chúc và trái chúc, nhiều chuyên gia ẩm thực đã tìm tòi và sử dụng nó như một gia vị đặc biệt để chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn như: cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc…
Hiện nay, trái chúc và lá chúc không chỉ có ở vùng Bảy Núi mà đã xuất hiện nhiều trong các món ăn, các chợ lớn nhỏ từ thành thị đến nông thôn. Hay, trái hồng quân từ loài cây hoang dã, không có giá trị kinh tế nên nhiều người phá bỏ cây hồng quân để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, như: xoài, điều, vú sữa, mãng cầu…
Bây giờ, trái hồng quân Bảy Núi đã trở thành loại trái cây đặc sản được du khách gần xa săn tìm và tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi. “Đến mùa, tôi hái trái hồng quân bán trước nhà, rất nhiều du khách ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… ghé mua và xin số điện thoại để đến mùa tiếp theo đặt hàng trái chín” - bà Huỳnh Yến Linh (xã Thới Sơn, Tịnh Biên) chia sẻ.
Anh Chau Sam gánh hàng nông sản núi xuống phố bán
Tất cả những mặt hàng nông sản này được các hộ dân vùng Bảy Núi trồng xen canh dưới tán rừng, hoặc đất vườn nhà, sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo yếu tố “sạch”. Cộng thêm việc, thời gian gần đây, khi người tiêu dùng ở khu vực thành thị đang có xu hướng chuộng sử dụng các sản phẩm “sạch”, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình. Nắm bắt được nhu cầu này nên nhiều hộ dân người Khmer đã nghĩ ra cách gánh nông sản đến tận các chợ thị trấn, thành phố để bán, nhằm kiếm thêm thu nhập.
Tại TP. Châu Đốc gần 10 giờ sáng, gánh hàng của bà Neáng Sa (Tịnh Biên) chỉ còn một ít trái su, mãng cầu ta và me sống. Bà Neáng Sa cho biết: “Hôm nay là ngày bán đắt nên sẽ về sớm. Trước đây, tôi thường gánh hàng ra chợ Tịnh Biên bán, dần dần “mở rộng thị trường” gánh đi đến Châu Đốc bán. Có bữa chưa đến Châu Đốc đã hết hàng”. Ngày nào cũng vậy, anh Chau Sam (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) cũng gánh đầy đặc sản của các nông dân xứ núi theo các chuyến xe buýt đến chợ Trà Ôn (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) để bán hàng.
Chủ yếu là đặc sản theo mùa ở vùng Bảy Núi, như: đường thốt nốt, măng tre, me dốt, đậu phộng, trái su, vú sữa, xoài, mãng cầu… tuy phải đi xa nhưng bán rất đắt hàng, trung bình 1 buổi đi bán anh Chau Sam thu nhập khoảng 200.000 đồng. “Sáng khoảng 4-5 giờ thức dậy, đi gom hàng hóa bán trong ngày, xong xuôi đón xe buýt sớm cho kịp chợ sáng. Hôm nào bán đắt thì khoảng 12 giờ trưa là hết hàng. Hôm nào chợ ít khách thì gánh dọc theo đường lộ bán, khi nào hết hàng thì về” - anh Chau Sam cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thoa (thị trấn An Châu, Châu Thành) chia sẻ: “Tôi thường hay đón các gánh hàng đặc sản của người Khmer gánh đi bán ngang nhà, bởi vì các loại rau, củ, trái cây vừa tươi ngon, vừa rẻ so với ngoài chợ và không sợ thực phẩm nhiễm hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Hơn nữa lại được thưởng thức đặc sản Bảy Núi theo mùa mà không cần phải đi xa”.
TRỌNG TÍN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)