Sáng 6-6, chất vấn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tuy nhiên áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 1-7-2024. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết câu hỏi ĐBQH đặt ra "hết sức chính xác". Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan rất nhiều đến các mặt hàng thiết yếu.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu.
Điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới, trong khi chúng ta đang thực hiện nhiều gói kích cầu, rồi chuẩn bị tăng lương… Đó là nguyên nhân dẫn đến biến động, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ảnh hưởng đến kiểm soát chỉ số lạm phát.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong bảo đảm về sản xuất, cung ứng lưu thông, phân phối và bảo đảm các mặt hàng, nhất là các mặt hàng Chính phủ quản lý, kiểm soát về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề này còn liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ. Ví dụ như vừa qua, xử lý biến động giá vàng, với các giải pháp cụ thể nhằm mục đích ổn định giá trị của đồng tiền. Cùng với đó, Chính phủ cũng đưa các chính sách để kích cầu tiêu dùng, như du lịch, mua sắm. Chính sách tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo đảm cho sản xuất và kinh tế phát triển.
"Đây là những vấn đề Chính phủ đã làm, với những biện pháp điều hành nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với phòng chống lạm phát, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được các giá cả" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho hay Việt Nam có lợi thế là quốc gia có gói giá cả thiết yếu về lương thực, thực phẩm thiết yếu, góp phần kiểm soát tăng giá ở những loại mặt hàng này.
Báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tính cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%).
Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả ba khu vực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 6,8% (trong khi năm 2023 giảm 2%). Nông nghiệp phát triển ổn định. Dịch vụ tiếp tục tăng mạnh.
Trong tháng 5, khách quốc tế đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi đại dịch COVID diễn ra). Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt trên 305,5 tỉ USD, tăng 16,6%; xuất siêu trên 8,01 tỉ USD.
Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đạt 7,9 tỉ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 3 năm qua.
Vốn FDI đạt 8,25 tỉ USD, tăng 7,8% và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.
Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực, gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 5, cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.