Thứ hai, 11/11/2019,10:32 (GMT+7)
Đại học Luật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2
Ngày 10-11, tại Hà Nội, trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (10-11-1979 — 10-11-2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2.

Trường Đại học Luật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2

Trường Đại học Luật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, các đơn vị đối tác trong và ngoài nước; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên nhà trường.

Theo báo cáo của nhà trường, Đại học Luật Hà Nội tiền thân là trường Đại học Pháp lý Hà Nội, được Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định thành lập ngày 10-11-1979. Với cơ cấu tổ chức khiêm tốn ban đầu với 67 cán bộ biên chế, đến nay Đại học Luật Hà Nội đã có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh với tổng biên chế hơn 400 người, có 308 giảng viên, trong đó có 4 Giáo sư, 38 Phó Giáo sư, 81 tiến sĩ luật, là cơ sở có nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ và học hàm nhất trong các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam.  

Trong 40 năm hình thành và phát triển, Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo trên 100.000 lượt cán bộ pháp luật cho cả nước. Các thế hệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các hệ đào tạo của trường hiện đang công tác và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp của cả nước. Nhiều cựu học sinh, sinh viên của trường hiện đang giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong đó hơn 70 đại biểu Quốc hội khóa XIV nguyên là giảng viên, học viên, sinh viên của trường.

Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật duy nhất có đầy đủ các chuyên ngành đào tạo luật ở bậc cao học và nghiên cứu sinh với các chuyên ngành như Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; Luật hiến pháp – Luật hành chính; Luật kinh tế; Luật dân sự và tố tụng dân sự; Luật hình sự và tố tụng hình sự; Tội phạm học; Luật quốc tế. Ở bậc đào tạo sau đại học, các chuyên ngành đạo tạo của Trường đều được mở theo cả định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng...

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực và đóng góp to lớn của nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ về pháp luật cho đất nước.

“Công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn phát triển mới, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những biến chuyển ngày càng nhanh của các quan hệ xã hội, kinh tế, dân sự, nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hết sức quan trọng, đòi hỏi đổi mới cách tiếp cận, tư duy pháp lý trong đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn trước mắt và tương lai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Đại học Luật Hà Nội cần tiếp tục khẳng định và giữ vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học pháp lý; hình thành trường phái nghiên cứu khoa học pháp lý với những thế mạnh sẵn có. Chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác để triển khai các nghiên cứu khoa học pháp lý cơ bản, nghiên cứu vượt trước làm tiền đề cho việc xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược lớn. Đồng thời, tiếp tục chú trọng các nghiên cứu phục vụ công tác xây dựng, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; các nghiên cứu, công bố quốc tế nhằm chia sẻ, truyền bá kết quả phát triển khoa học pháp lý trong nước; nghiên cứu pháp lý phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực hiện các cam kết và hội nhập quốc tế.

PHAN THẢO - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu