Thứ ba, 23/08/2022,19:55 (GMT+7)
Đảng viên có được chơi hụi?
Bạn đọc NGUYỄN VĂN THẢO (TP HCM) hỏi: Do cơ quan có một số hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi tổ chức chơi hụi nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau. Chúng tôi là đảng viên. Vậy theo quy định của pháp luật, chúng tôi có được chơi hụi?
 
- Luật sư CAO THẾ LUẬN, Công ty Luật TNHH Kao Kiến, trả lời: Tại điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tổ chức hụi như sau: Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại điều 3 Bộ Luật Dân sự 2015, cụ thể: 
 
Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. 
 
Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. 
 
Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
 
Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
 
Căn cứ quy định trên cùng với 19 điều đảng viên không được làm tại Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương thì không có quy định cấm đảng viên chơi hụi, miễn sao việc chơi hụi đúng pháp luật.
 
Trường Hoàng ghi (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu