Thứ sáu, 07/09/2018,10:09 (GMT+7)
Đánh giá giáo viên khó thực chất
Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV), có hiệu lực từ ngày 10-10 tới đây, vẫn còn nhiều điểm chưa thuyết phục, mang tính hình thức hơn là chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ GV.

Thông tư quy định GV tự đánh giá theo chu kỳ mỗi năm một lần vào cuối năm học và người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá GV theo chu kỳ 2 năm một lần vào cuối năm học. Từ đó, GV được xếp loại tốt, khá, đạt và chưa đạt dựa trên 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.

Có thể nói việc GV tự đánh giá và đánh giá GV ở bậc phổ thông là điều mới mẻ. GV tự đánh giá có thể là một cách để họ tự nhìn nhận lại mình, tự nâng cao trình độ, rèn luyện cách ứng xử cũng như giữ được phẩm chất của nhà giáo theo chuẩn mà Thông tư 20 đặt ra. Đặc biệt, GV phải trau dồi ngoại ngữ, công nghệ thông tin… để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tuy nhiên, rõ ràng việc người đứng đầu cơ sở giáo dục, cụ thể là hiệu trưởng, đánh giá GV của mình rất dễ đi vào hình thức. Khi bệnh thành tích còn phổ biến trong môi trường giáo dục, học sinh giỏi nhiều, học sinh "chưa đạt" gần như không có, chẳng lẽ hiệu trưởng lại nỡ đánh giá GV của mình ở mức chưa đạt? GV chưa đạt thì danh tiếng của trường đối với phụ huynh, học sinh cũng ảnh hưởng rất nhiều!

Hơn nữa, Thông tư 20 không quy định về việc nếu GV chưa đạt thì phải xử lý ra sao. Không có chế tài cụ thể thì rất khó để thông tư này đi vào thực chất mà phát sinh một công việc mang tính "sổ sách" cho GV vốn đã rất nhiều áp lực. Bên cạnh đó, GV chưa đạt chuẩn về ngoại ngữ, tin học thì có được nhà trường tạo điều kiện về thời gian và tài chính để đi bồi dưỡng cho đạt chuẩn hay không? Điều này còn bỏ ngỏ.

Có lẽ, chuẩn nghề nghiệp chỉ là yếu tố tham khảo khi tuyển dụng GV thì hợp lý hơn. Còn mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ GV để đáp ứng nhu cầu đổi mới khi chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được áp dụng cuốn chiếu từ năm sau có lẽ cần nhiều "tiêu chí" thiết thực hơn từ Bộ GD-ĐT. Đó là khung chương trình phổ thông mới cần được sớm công khai để GV cả nước được tiếp cận sớm. Phương pháp giáo dục của chương trình mới là tích hợp kiến thức, khuyến khích sáng tạo thay vì truyền thụ kiến thức như trước kia thì phải có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức, phương pháp giảng dạy cho GV. Các điều kiện để giảng dạy cũng cần phải đạt chuẩn chứ không thể đòi hỏi GV đạt chuẩn mà sĩ số học sinh nhiều nơi vẫn còn 65 em/lớp. Áp lực sổ sách và bao nhiêu kỳ thi mà GV phải chịu sức ép như GV dạy giỏi, GV sáng tạo, công trình nghiên cứu… cũng phải được xem xét giảm bớt cho GV tâp trung nâng cao chuyên môn.

Để GV yên tâm gắn bó với công việc trồng người vốn rất vất vả, áp lực trong khi chính sách tiền lương chưa thay đổi, cần có những yêu tố mang tính động viên, khuyến khích GV gắn bó với bục giảng, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy hơn là những quy định mang tính hình thức và tạo thêm gánh nặng cho nhà giáo.

Nguồn: Bảo Lâm - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu