Hồ T'Nưng còn có tên gọi Biển Hồ, là "đôi mắt Pleiku", một báu vật được ban cho cao nguyên phố núi Gia Lai với không gian hồ nước rộng lớn, khí hậu trong lành, phủ kín thông xanh. Nhưng chỉ người địa phương mới biết Biển Hồ còn được chia làm hai phần, ngăn cách bởi một cầu treo nhỏ, với một bên được gọi tên "Biển Hồ nước" là Biển Hồ T'Nưng hiện tại, một bên là những nương chè nằm bao quanh con đường thông trăm tuổi, có tên gọi Biển Hồ chè.
Bắt đầu từ đường Phó Đức Chính, con đường Biển Hồ chè chạy vòng theo hồ nước, nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 10km, đây cũng là ranh giới giữa thành phố Pleiku và địa bàn xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh của tỉnh Gia Lai.
Lối vào những đồi chè bạt ngàn phải đi qua hai hàng thông cổ thụ khổng lồ có tuổi đời hơn 100 tuổi. Giới trẻ Gia Lai gọi đây là "con đường Hàn Quốc" bởi vẻ lãng mạn không đâu sánh bằng.
Học sinh trường tiểu học xã Nghĩa Hưng đi học dưới những tán thông khổng lồ buổi sáng. Sáng sớm cũng là thời điểm đẹp nhất để thăm quan con đường thông lãng mạn này, trong không khí se lạnh trong lành cùng sương sớm vẫn còn chưa tan.
Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu xuất hiện ở Pleiku nhằm mục đích khai khẩn vùng đất phía bắc của tỉnh, họ đã xây dựng nên những đồn điền chè đầu tiên của tỉnh Gia Lai, tiền thân của Biển Hồ chè ngày nay.
Khí hậu mát lạnh của cao nguyên Gia Lai bên cạnh Biển Hồ T'Nưng là điều kiện vô cùng thuận lợi để trồng chè.
Đồi chè ở Biển Hồ hiện nay có diện tích đến hơn 1.000ha, khắp nơi đều là một màu xanh mướt của chè, kéo dài đến tận chân những ngọn núi.
Đây được ví như lá phổi xanh điều hòa không khí cho toàn vùng, là điểm du lịch hấp dẫn rất đông du khách, cũng như là điểm chụp ảnh, “check-in” nổi tiếng của giới trẻ Gia Lai.
Có một điểm đến đặc biệt không thể bỏ qua khi đến với Biển Hồ chè, chính là ngôi chùa Bửu Minh nằm cuối con đường thông trăm tuổi, bao quanh là những nương chè. Đây là một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng ở Gia Lai.
Chùa Bửu Minh có phần mái thiết kế như mái nhà rông Tây Nguyên, đặc biệt có kiến trúc kết hợp cả miền bắc, miền trung với kiểu dáng chùa Nhật Bản. Mặt tiền của ngôi chùa hướng về phía Biển Hồ nước, trong một không gian yên bình hiếm có.
Nếu chia con đường Biển Hồ chè xã Nghĩa Hưng làm ba phần, lấy mốc ở giữa là con đường thông trăm tuổi và những đồi chè thì phần đầu và phần cuối con đường chính là những rẫy cà-phê. Tùy theo điều kiện thời tiết mà cứ vào độ tháng 11, tháng 12 hằng năm là những rẫy cà-phê mùa rực rỡ nhất với trái chín mọc trĩu trịt trên cành. Đây là lúc nông dân xã Nghĩa Hưng bắt đầu bước vào mùa thu hoạch trái cà-phê.
Đây cũng là thời điểm hoa dã quỳ mọc khắp nơi ở Tây Nguyên. Bên dưới những gốc cà-phê mùa này đồng loạt dã quỳ nở bông, cỏ đuôi chồn cũng đỏ tía, tất cả đã tạo nên một bức tranh đồng quê tuyệt đẹp, điển hình đặc trưng của mùa đông phố núi Gia Lai.