Nỗ lực “bơm” vốn
Thời điểm cuối năm 2019 đầu năm 2020, là khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) được đẩy lên cao nhằm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động tiền gửi đối với một số kỳ hạn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay nhìn chung vẫn giữ được mặt bằng ổn định do tác động của những lần điều chỉnh hạ lãi suất tại một số NHTM trước đó, gần nhất là hồi giữa tháng 11-2019. Ông Mai Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và nội thất Quỳnh Chi (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), DN vừa làm thủ tục vay vốn ngân hàng để thực hiện các đơn hàng sản xuất nội thất cho Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cho biết: Hiện công ty đang vay vốn kỳ hạn ngắn với lãi suất dưới 10%/năm. Thông thường, các DN sản xuất mặt hàng nội thất chỉ được thanh toán tiền khi đơn đặt hàng đã hoàn thành, nên chúng tôi rất cần một lượng vốn lớn ứng trước.
Khi được ngân hàng tạo điều kiện cho vay, tôi thấy mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cũng tương đối “dễ thở”.
Trước đó, để “đón đầu” nhu cầu vay vốn của DN, bản thân các NHTM cũng đã đồng loạt triển khai nhiều gói tín dụng, chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Đơn cử như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) có chương trình ưu đãi “Song hành bứt phá” với hạn mức 2.500 tỷ đồng dành cho DN nhỏ và vừa (DNNVV), lãi suất cố định trong ba tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc sáu tháng đầu từ 8,3%/năm, thời gian vay tối đa 12 tháng. Chương trình áp dụng đối với khách hàng là DNNVV doanh thu năm gần nhất tối đa là 200 tỷ đồng, đang có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn cho các hoạt động kinh doanh, vào dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Hay như với Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), nhằm bổ sung vốn dịp cuối năm 2019 cũng đã dành 3.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay vốn bổ sung vốn lưu động ngắn hạn. Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết, với tầm nhìn và chiến lược luôn đi sát nhu cầu của thị trường và hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, SHB áp dụng các chính sách cho vay linh hoạt với thủ tục đơn giản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi và giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn.
Bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, địa phương về phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam NHNN, thời gian qua, các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động tiếp cận các đối tượng khách hàng, nhất là nhóm DNNVV. Theo đó, các NHTM đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV với mức lãi suất thấp hơn quy định của NHNN. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô các gói lên tới 90 nghìn tỷ đồng như: Gói tín dụng ngắn hạn tri ân DNNVV là khách hàng VIP và phát triển quan hệ với DNNVV là khách hàng mới có tiềm năng phát triển hay Gói tín dụng ngắn hạn cạnh tranh 15 nghìn tỷ đồng dành cho DNNVV trong năm 2018...; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng triển khai nhiều chương trình, như: cấp tín dụng dành cho khách hàng DNNVV không có tài sản bảo đảm, cấp tín dụng đối với DN có chủ là phụ nữ, chương trình ưu đãi xuất, nhập khẩu... Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, đến hết ngày 31-12-2019, tín dụng của nền kinh tế tăng khoảng 13,7% so cuối năm 2018.
Chủ động tăng cường tính minh bạch
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia, trong số các khó khăn của DN, cụ thể là khối DNNVV ở Việt Nam, vốn là vấn đề lớn nhất. Theo đó, 62% chủ DN được hỏi đều gặp khó khăn về nguồn vốn, chủ yếu là để đầu tư nhà xưởng, máy móc. Dẫn số liệu rõ hơn về khả năng tiếp cận vốn hạn chế, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm chỉ ra rằng, chỉ 40% số DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; trong khi con số này ở DN nhỏ là 62%, DN quy mô vừa là 74% và DN lớn lên tới 81%. “DN càng nhỏ thì khả năng tiếp cận nguồn vốn càng khó. Các DNNVV phải khai thác nguồn tín dụng không chính thống, vay tín dụng đen có rủi ro rất cao” - ông Trần Ngọc Liêm chia sẻ. Cá biệt, có DN chia sẻ để có thể được vay vốn họ đã phải bỏ ra một ít chi phí “bôi trơn” để bồi dưỡng nhân viên ngân hàng. Vì vậy, để tăng cơ hội tiếp cận vốn, cần hình thành hệ thống cung cấp vốn thuận lợi và minh bạch hơn. Các NHTM cũng cần có năng lực tốt hơn trong việc đánh giá, thẩm định kế hoạch kinh doanh của DN. Chính phủ tiếp tục cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh nhằm giảm bớt, xóa bỏ chi phí không chính thức mà DNNVV đang phải gánh chịu.
Mặt khác, thực tế cho thấy cung cách quản lý, quản trị DN còn có khiếm khuyết và bất cập, thiếu minh bạch trong hoạt động tài chính, dẫn đến nhiều DN, nhất là DNNVV chưa thể thuyết phục được các ngân hàng chấp nhận cung cấp tín dụng. Do đó, bản thân các DN cũng cần phải nâng cao năng lực quản trị cũng như chất lượng xây dựng kế hoạch kinh doanh. “Ngành ngân hàng đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm hỗ trợ DN vay vốn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ chế chính sách, bản thân DN cũng cần công khai thông tin, minh bạch để tăng độ uy tín” - Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ.
Những năm gần đây, NHNN đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng cơ sở thông tin tín dụng quốc gia. Đến nay, Trung tâm thông tin quốc gia Việt Nam (CIC) đã thu thập được thông tin từ 122 đầu mối tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô chính thức và hơn 49 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng. Kết quả trong năm 2019, độ phủ thông tin tín dụng tiếp tục được cải thiện so với tháng trước, tăng hơn 1,1 triệu khách hàng vay (hơn 4,6 triệu hồ sơ vay mới), nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia lên hơn 41,8 triệu khách hàng.
Nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin tín dụng, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay, trong năm 2019, CIC cũng đã thực hiện phê duyệt thêm khoảng 13,6 nghìn tài khoản cá nhân đăng ký khai thác báo cáo chấm điểm tín dụng qua cổng thông tin kết nối khách hàng của CIC, nâng tổng số khách hàng được phê duyệt đạt 36.300 khách hàng. Cuối tháng 10-2019, dư nợ cho vay đối với khách hàng là DN đạt 4,2 triệu tỷ đồng, chiếm 53,44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đối với các DNNVV đạt 1,49 triệu tỷ đồng, chiếm 35,3% tổng dư nợ khối DN, tăng 13,8% so với đầu năm.
Như vậy có thể thấy, những chính sách, giải pháp của Nhà nước thời gian qua, đặc biệt là từ phía hệ thống ngân hàng đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến từ phần lớn các DN, vẫn cần tiếp tục có sự sẻ chia hơn nữa từ phía các ngân hàng, nhất là trong vấn đề làm hồ sơ, thủ tục vay vốn. Bên cạnh đó, để giúp DN tiếp cận tín dụng thành công, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng còn cần sự phối hợp các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía: DN, các tổ chức tín dụng, Nhà nước và các bộ, ngành.
Vấn đề cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn nhiều bất cập. Vốn trung, dài hạn chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 50,6% tổng dư nợ, tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung, phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, nhất là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.
ĐÀO MINH TÚ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam