Thứ tư, 21/07/2021,05:56 (GMT+7)
Đẩy mạnh truyền thông bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Xác định truyền thông đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng và thực hiện chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội…
Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ tổ chức tập huấn, truyền thông kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em Trường THCS Long Tuyền, quận Bình Thủy.
Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ tổ chức tập huấn, truyền thông kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em Trường THCS Long Tuyền, quận Bình Thủy.
 
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nêu gương trẻ em vượt khó, tiêu biểu, gắn với các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và trẻ em về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nổi bật là hoạt động phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH và Báo Cần Thơ thực hiện chuyên trang tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn. Chuyên trang được thực hiện định kỳ hằng tháng và thông tin được đưa đến những người làm công tác trẻ em từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, một số cơ sở trợ giúp xã hội. Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp Báo Lao động và Xã hội thực hiện 3 kỳ chuyên trang bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặt mua 360 cuốn tạp chí “Vì trẻ em” tặng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ thực hiện 3 chuyên đề chính sách xã hội liên quan đến trẻ em; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các quận, huyện để tăng cường nội dung, thời lượng tuyên truyền Tháng hành động vì trẻ em. Ngoài ra, Sở cấp phát trên 6.000 quyển Luật Trẻ em, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn bảo vệ trẻ em trong dịch COVID-19; treo trên 400 băng-rôn trên đường phố tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong mùa lũ tại các quận, huyện bị ảnh hưởng lũ.
 
Nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em năm 2021, ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã triển khai kế hoạch củng cố, nâng chất xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội thảo chuyên đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, “Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”; tọa đàm “Xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, hội thi thực hiện video clip “Điều con muốn nói”… Qua đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt quyền, bổn phận và nghĩa vụ của trẻ em; về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; tầm quan trọng của cộng đồng, khu vực dân cư trong việc tạo điều kiện hỗ trợ gia đình bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
 
Song song đó, nhằm phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước trong mùa hè, mùa mưa lũ, Sở LĐ-TB&XH thành phố chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ năm 2021 triển khai đến các sở, ban, ngành và 9 quận, huyện trong thành phố. Đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn, trẻ em trong gia đình có nguy cơ bị tai nạn thương tích cao. Thời gian tổ chức giữ trẻ em mùa lũ dự kiến trong 1,5 tháng, tùy theo tình hình thực tế mực nước tại các quận, huyện để tổ chức các điểm giữ trẻ phù hợp, mỗi điểm giữ không quá 25 trẻ.
 
Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở ấp, khu vực; tập huấn, truyền thông chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng, bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng, ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trẻ em trên địa bàn. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn.
 
Bài, ảnh: QUỲNH LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu