Khó khăn trước mắt
Năm 2019, các DN gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD sản phẩm gỗ và dự kiến năm nay đạt hơn 1 tỷ USD. EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích, song cũng đặt ra những thách thức cho ngành chế biến gỗ. Đó là những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU về tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa cao và nguồn gốc gỗ nhằm bảo đảm thực thi các chính sách về môi trường. Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), ngành chế biến gỗ hiện nay đang phải đối diện nhiều thách thức; đó là, dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, thị trường nguyên liệu chưa ổn định, nguy cơ các DN bị kiện chống bán phá giá ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều DN hiện nay gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động lành nghề và mở rộng mặt bằng sản xuất do phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, các DN vẫn phải dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu các nguyên liệu, phụ liệu sản xuất, vừa bị động vừa chịu chi phí cao cho nên giá thành sản phẩm tăng lên, giảm sức cạnh tranh...
Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), có hiệu lực thi hành từ tháng 6-2019. VPA/FLEGT giúp cải thiện quản lý rừng, giải quyết việc khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác. Hiệp định được triển khai đã yêu cầu mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT cũng bảo đảm việc đáp ứng các quy định của EU, được xây dựng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường này. Gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định, nhằm loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp. Mặt khác, EU chỉ khuyến khích cho sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường của mình. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.
Do đó, về nguyên liệu, với đòi hỏi bắt buộc từ hợp phần VPA/FLEGT, các DN Việt Nam phải bảo đảm hàng xuất sang EU 100% hợp pháp (bất kể gỗ nguồn gốc nhập khẩu hay gỗ rừng trồng trong nước). Điều này dẫn đến nguyên liệu có thể khan hiếm trong thời điểm trước mắt, hoặc thậm chí lâu hơn nếu các DN không chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định, bền vững ngay từ lúc này. Một nhược điểm của phần lớn các DN Việt Nam hiện nay là thiên về sản xuất gia công, việc đầu tư cho công nghệ, thiết kế, xây dựng thương hiệu còn thấp. Trong khi đó, theo các chuyên gia, giá trị một sản phẩm gỗ chỉ chiếm từ 30-35%, giá trị còn lại phụ thuộc rất nhiều vào khâu thiết kế và thương hiệu. Vì vậy, muốn tăng giá trị hàng hóa, các DN gỗ bắt buộc phải cải thiện thiết kế, đồng thời làm tốt chính sách xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử để mở rộng, tiếp cận với đa dạng khách hàng EU. Đây là một đòi hỏi của thực tế thị trường EU, đồng thời cũng là một thách thức rất lớn đối với các DN chế biến gỗ trong nước đang còn rất nhiều hạn chế về trình độ cũng như quy mô sản xuất.
EVFTA đã được Hội đồng châu Âu chính thức phê chuẩn, việc thực thi hiệp định sẽ góp phần mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ từ Việt Nam tại thị trường châu Âu. Ngày 8-6 vừa qua, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Nghị quyết phê chuẩn EVFTA đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương, việc Quốc hội thông qua EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU có thể đạt hơn một tỷ USD ngay trong năm đầu tiên, nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có việc xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần phải tập trung giải quyết, trong đó, phải xây dựng tốt nguồn nguyên liệu từ rừng trồng song song với việc xây dựng một số trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú, dồi dào ở ngay tại các vùng sản xuất. Các nhà quản lý cũng cho rằng, để tận dụng tốt lợi thế và nắm bắt cơ hội mở ra sắp tới, các DN gỗ cần tập trung đầu tư cho phát triển thương hiệu. Đây là cách tốt nhất để ngành gỗ Việt Nam nâng tầm sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cũng cần tích cực đẩy mạnh hoàn thiện và ban hành hồ sơ, tài liệu để vận hành hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam bảo đảm đúng quy định và phù hợp thông lệ quốc tế.
Triển vọng lâu dài
Theo dự báo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ còn giảm mạnh trong vài tháng tới. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nước EU đã thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Dự báo, nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu, trong đó có đồ gỗ tại thị trường này sẽ suy giảm. Tuy vậy, nếu EVFTA được thực thi vào quý III-2020, đây cũng là khoảng thời gian dự báo dịch Covid-19 thoái trào, thời điểm mà EU khôi phục các hoạt động biên mậu, thì mặt hàng gỗ cũng sẽ tiếp tục được khôi phục với nhu cầu lớn. Cùng với đó, khi EVFTA có hiệu lực, phần lớn sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Lộ trình cắt giảm theo thỏa thuận khoảng 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ từ 6% về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, 17% các mặt hàng còn lại sẽ về 0% sau 5 năm. Mặt khác, nếu trước đây, các loại máy móc thiết bị, các DN trong nước nhập khẩu từ EU phải chịu thuế từ 20-30%, EVFTA có hiệu lực sẽ giảm giá thuế nhập khẩu, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi DN có nhu cầu đầu tư trang thiết bị. Lợi ích không nhỏ khác là nhập khẩu nguyên liệu từ EU, nguồn gỗ của châu Âu có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, giúp các DN chế biến gỗ sẽ tăng khả năng thu mua khi được miễn thuế. Đây chính là cơ hội để các DN chế biến gỗ tìm lại thị trường.
Để kịp thời ứng phó với khó khăn hiện nay, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tập trung bốn nhóm giải pháp lớn. Đó là, tập trung tháo gỡ ngay về chính sách cho các DN; khai thác "khe hở" các thị trường; thị trường nào, quốc gia nào khống chế được dịch thì phải có ngay phương án khai thác thị trường đó; tất cả hiệp hội ngành hàng, DN cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất, sẵn sàng "bùng nổ" vào những tháng cuối năm và tiếp tục cơ cấu lại ngành hàng theo hướng hiện đại bền vững. Về quản lý nhà nước, hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng đang hướng tới mục tiêu mở rộng xuất khẩu, đang có những tác động tích cực từ khâu cung cấp gỗ nguyên liệu đầu vào cho đến khâu xuất khẩu sản phẩm. Chính phủ đã và đang tiếp tục khuyến khích tạo nguồn nguyên liệu theo hướng tăng nguồn cung gỗ nội địa có nguồn gốc hợp pháp (chủ yếu là gỗ rừng trồng), đồng thời tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng cũng đang được ưu đãi khuyến khích trồng rừng gỗ lớn nhằm tạo nguồn cung nguyên liệu phù hợp. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện các cơ quan quản lý lâm nghiệp cũng đã hợp tác tích cực với ngành cao-su, với quyết tâm tạo nguồn gỗ cao-su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững sử dụng cho chế biến. Những hoạt động này đang góp phần thúc đẩy phát triển nguyên liệu ngành gỗ đi theo hướng bền vững.
Cùng với đó, các DN chế biến gỗ trong nước đang không ngừng cải tiến, nâng cao công nghệ sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Những cải tiến này vượt trội so với các quốc gia châu Á khác và ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường EU. Thông qua đó, uy tín và vị thế của đồ gỗ từ Việt Nam cũng đang được nâng cao do các DN xuất khẩu có khả năng cung cấp các đơn hàng với số lượng lớn. Đây được coi là triển vọng lâu dài, bền vững của các DN chế biến gỗ xuất khẩu trong nước. Tuy vậy, theo Thứ trưởng NN và PTNT Hà Công Tuấn, để chinh phục thị trường khó tính EU, các DN chế biến gỗ cần chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường này. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh...