Thứ ba, 09/06/2020,17:08 (GMT+7)
Dạy và học trực tuyến - Thấy dễ mà không dễ !
Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời mỗi khi có “sự cố đặc biệt” khiến việc dạy học bị gián đoạn như đại dịch Covid-19 vừa qua, đây được xem là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. Nói thì quen, nghe thấy dễ, hầu như trường nào cũng áp dụng, nhưng hiệu quả đến đâu, cách làm sao cho đồng bộ vẫn còn là vấn đề lớn.
Thầy Nguyễn Ngọc Huy, giáo viên dạy môn toán, Trường THPT Cây Dương với bài giảng trực tuyến cho học sinh lớp 12.
 
Mô hình giáo dục hiện đại
 
Em Phạm Minh Thái, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Học trực tuyến giúp em đỡ quên kiến thức. Thầy cô trường em giảng bài trên mạng rất kỹ càng, nếu chỗ nào không hiểu chúng em sẽ hỏi thầy cô ngay. Thầy cô sẽ giải đáp trực tiếp cho chúng em thông qua micro trực tuyến hoặc trả lời tin nhắn sau giờ học online. Nhờ học trực tuyến mà em rèn cho mình ý thức chủ động tự học mỗi ngày”.
 
Nâng cao ý thức chủ động, ham học trong học sinh là hiệu quả từ học trực tuyến. Thầy Nguyễn Ngọc Huy, giáo viên dạy toán, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Trước lúc đi học lại, Ban giám hiệu và giáo viên trường đã chủ động thực hiện nhiều clip thu lại bài giảng theo từng môn học để chia sẻ cho học sinh, hay tạo các group Zalo, Facebook… Chúng tôi muốn thông qua các bài giảng để củng cố kiến thức cho các em. Việc dạy học trực tuyến sẽ phát huy được tinh thần tự học, học nhóm, giúp học sinh giao lưu với bạn bè, cùng nhau giải đáp thắc mắc trong việc học”.
 
Việc dạy học online cho học sinh được Trường THPT Cây Dương triển khai từ cuối tháng 3. Từ hiệu quả mang lại, trường vẫn duy trì việc dạy học online này để các em có thêm nguồn tư liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Nhiều điểm trường khác cũng thực hiện tương tự như THPT Cây Dương.
 
Hiện nay, một số phần mềm ứng dụng được giáo viên sử dụng nhiều nhất trong dạy học trực tuyến như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom, Zalo... Với ứng dụng này, giáo viên tạo ra các lớp học trên mạng và tổ chức dạy học có tương tác trực tiếp với học sinh để triển khai các hoạt động dạy học.
 
Thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên dạy tin học Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Dạy online cực hơn dạy trên lớp vì giáo viên phải chuẩn bị kỹ hơn nữa bài giảng, giao lưu trực tuyến với học sinh và cả phụ huynh, giải đáp trực tuyến các thắc mắc của các em, phương tiện giảng dạy online, hệ thống mạng phải tốt… tôi thấy từ khi học online học sinh trường tự tin hơn và phát huy tốt hơn năng lực học tập”.
 
Trường THCS Ngô Quốc Trị là trường có khá đông học sinh, với hơn 1.400 em, nhưng có đến hơn 1.200 em tham gia học trực tuyến trường trong đợt nghỉ phòng chống dịch. Ông Nguyễn Trí Vàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường vẫn còn hơn 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn không tham gia học online. Nguyên nhân vì các em không có phương tiện học tập tại nhà như: máy tính, hệ thống mạng, hoặc điện thoại martphone… nên có phần thiệt thòi hơn các bạn. Vì thế, khi học sinh trở lại trường học tập các em đã được giáo viên tổ chức ôn lại hết để có kiến thức như nhau”.
 
Thực trạng ông Vàng chia sẻ là vấn đề nhiều trường đang gặp phải.
 
Không chỉ khó về hạ tầng, cơ sở vật chất…
 
Khó khăn đầu tiên trong việc dạy học trực tuyến là điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, kho học liệu chưa phong phú, vấn đề này đã được nhiều lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo trong cả nước chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá chất lượng dạy và học qua internet và trên truyền hình do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua.
 
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết: “Tôi đề nghị giải pháp tháo gỡ là tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi, bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ kiến thức, tăng cường phối hợp với các nhà mạng để có đường truyền mạnh…”.
 
Khó nữa là việc công nhận kết quả dạy học trên internet và trên truyền hình nên thực hiện thế nào để đảm bảo khách quan, công bằng với mọi đối tượng học sinh. Hay việc khó giám sát, quản lý học sinh trong quá trình học online, trên truyền hình, an toàn an ninh mạng, chất lượng bài giảng của giáo viên… Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất: “Trong việc dạy và học trên internet và trên truyền hình cần có sự tham gia phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh trong việc quản lý quá trình học tập của các em. Giáo viên giảng dạy cũng cần phải chọn giáo viên có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch và duyệt giáo án thực hiện kỹ càng, có chất lượng, tránh tình trạng mạnh ai nấy dạy, tăng cường xã hội hóa để xã hội cùng chung tay với hoạt động giáo dục…”.
 
Để việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình bảo đảm chất lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành cần xây dựng kế hoạch dài hạn để phát triển dạy học trực tuyến ở tất cả các bậc học, tạo nguồn học liệu phong phú, tăng cường cơ sở hạ tầng, kêu gọi xã hội hóa, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm hoàn thiện dự thảo quy chế dạy học trực tuyến, từ xa, trên truyền hình để làm cơ sở cho các nhà trường thực hiện đồng bộ…
 
Đã được áp dụng lâu nay, nhưng đến nay chưa hết khó…
 
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Việc sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin, dạy học qua các trang mạng xã hội, học online… để hỗ trợ học tập và bổ sung kiến thức tại nhà, tại trường cho học sinh không phải là cách làm mới, mà đã được các trường trong địa bàn tỉnh phát huy từ những năm học trước. Tuy việc dạy online vẫn còn nhiều điểm khó về cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, năng lực của giáo viên, học sinh… nhưng điểm thuận lợi trong phương pháp dạy này là phát huy được ý thức tự học và nâng cao tính ham học trong học sinh và sự chủ động từ giáo viên”.
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu