Thứ ba, 20/10/2020,10:00 (GMT+7)
ĐBSCL thất mùa lúa vì mưa dầm
Nhiều ngày qua, tại ĐBSCL có mưa liên tục, kết hợp với triều cường dâng cao khiến nhiều cánh đồng lúa đang trong thời kỳ thu hoạch bị ngập úng. Lúa bị ngập sâu, ảnh hưởng năng suất và chất lượng.
 
Bộ đội và lực lượng dân quân tự vệ giúp dân thu hoạch lúa bị ngập úng ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau
Bộ đội và lực lượng dân quân tự vệ giúp dân thu hoạch lúa bị ngập úng ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau
 
Đồng lúa chín chìm trong nước
 
Chiều 19-10, chúng tôi đến vùng ngọt hóa chuyên canh lúa của tỉnh Cà Mau, chứng kiến nhiều hộ dân tranh thủ thu hoạch lúa nhằm tránh bị thiệt hại. Tại đây, đồng ruộng ngập sâu, khiến việc cắt lúa khó khăn. Ông Dương Văn Thắng (ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Nhiều ngày nay, trời mưa liên tục nên đường sá, nhà cửa bị ngập, lúa đang chín cũng bị nhấn chìm.
Hơn 1,5ha lúa của tôi chuẩn bị thu hoạch thì mưa ập xuống làm ngập sâu, hư thối… nên bỏ luôn. Vụ này xem như mất trắng”. Một số hộ ở huyện Trần Văn Thời vẫn cố gắng thu hoạch nhằm gỡ lại chút đỉnh tiền vốn đã đầu tư. Tuy nhiên, việc thuê nhân công cắt lúa vô cùng khó, dù giá công tăng cao. Bà Phạm Thị Út (xã Khánh Bình Đông) cho hay: “Thông thường giá cắt một công lúa khoảng 500.000 đồng, nhưng nay tăng lên 600.000-800.000 đồng; cộng thêm tiền thuê máy tuốt lúa mỗi bao 20.000 đồng, vậy là vụ này lỗ nặng”.
 
Tại Hậu Giang, nhiều cánh đồng lúa thu đông ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, TP Vị Thanh… bị đổ ngã và ngập sâu do ảnh hưởng mưa dầm. Ông Trần Văn Trại, ngụ xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) buồn rầu: “Vụ này tôi canh tác 3 công lúa thơm. Cách nay khoảng 1 tháng, thương lái đặt cọc mua 6.000-6.500 đồng/kg, tính ra có lãi khoảng 2-2,5 triệu đồng/công. Không ngờ khi lúa sắp tới kỳ thu hoạch thì mưa trút xuống liên tục làm ngập tới cổ bông khiến lúa bị hư thối, lên mộng…, thế là thương lái từ chối mua, do chất lượng lúa không đảm bảo. Cuối cùng định thuê người cắt để bán lúa cho vịt ăn, nhưng nhân công khan hiếm”. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, vụ thu đông này toàn tỉnh xuống giống 43.076ha lúa, đã thu hoạch được 21.600ha; số còn lại đang trong giai đoạn chín, trổ bông, làm đòng... Tính đến chiều 19-10, toàn tỉnh có hơn 3.913ha lúa giai đoạn trổ, chín, sắp thu hoạch bị đổ ngã (tỷ lệ 10%-70%, cục bộ có nơi 100%); ước tỷ lệ thiệt hại năng suất 5%-80%. Ngoài ra, mưa lớn gây ngập úng 5.809ha lúa ở giai đoạn mạ và trổ chín sắp thu hoạch, độ ngập sâu 10-30cm.
 
Tại Sóc Trăng, do mưa lớn kèm theo dông gió khoảng 2 tuần qua đã làm hàng ngàn hécta lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã, ngập trong nước, nhiều diện tích bị mất trắng. Ông Sư Tùng, ngụ xã Long Phú, huyện Long Phú, thở dài: “Gia đình chỉ kịp cắt 0,2ha, còn lại 1,7ha lúa không thể thu hoạch được. Đến nay, lúa đã bị đổ ngã hơn 30%, năng suất giảm phân nửa. Nếu cứ tiếp tục mưa, hạt lúa ngâm trong nước và lên mọng, xem như mất trắng”. Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú, cho biết: “Ảnh hưởng của mưa bão đã làm hơn 1.330ha lúa chín bị đổ sập, hư hại. Trong đó có trên 80ha thiệt hại từ 70% trở lên, nhiều diện tích bị mất trắng khiến bà con rất xót xa”. 
 
Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại 
 
Cùng với thất mùa, người dân Cà Mau còn lo lắng khi giá lúa mà thương lái mua hiện chỉ còn 3.000-3.800 đồng/kg (giảm hơn 1/3 so với trước khi bị mưa dầm); riêng những khu vực thuận lợi giao thông thì giá cũng chỉ 4.000 đồng/kg. Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, trên địa bàn có khoảng 10.000ha lúa bị đổ ngã và bị ngập. Nhiều diện tích lúa phải cắt bằng tay, trong khi không có nhân công, dù giá cao. Ngoài ra, khi lúa ngập thì chất lượng bị ảnh hưởng và thương lái giảm giá. 
 
Trước tình trạng mưa kéo dài làm ngập úng đến vùng sản xuất lúa trên địa bàn, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Qua báo cáo sơ bộ của các địa phương, mưa lớn những ngày qua làm ảnh hưởng khoảng 16.000ha lúa; trong đó có khoảng 380ha lúa hè thu muộn trong thời kỳ thu hoạch bị thiệt hại nặng”. Theo ông Ly, trước đây thương lái mua lúa với giá 6.100-6.400 đồng/kg. Nhưng nay, do bị ngập úng nhiều ngày nên chất lượng lúa bị ảnh hưởng, vì vậy thương lái giảm giá, thậm chí không mua. Số lúa này nếu thu hoạch chỉ để phục vụ cho chăn nuôi. Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương vận hành tối đa cống thủy lợi để tháo nước. Đồng thời vận động nông dân tranh thủ thu hoạch nhanh những diện tích lúa chín sớm để hạn chế thiệt hại.
 
Những ngày qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trần Văn Thời đã cử bộ đội kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ các xã khẩn trương giúp dân thu hoạch lúa bị ngập nhằm giảm thiệt hại cho bà con. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xác định loại hình thiên tai để công bố. Qua đó có hỗ trợ kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn. Ở Sóc Trăng, ngành nông nghiệp các huyện đang triển khai giải pháp tiêu thoát nước, hạn chế ngập úng; thống kê thiệt hại để có những đề xuất, hỗ trợ kịp thời cho nông dân. 
 
Ngày 19-10, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã khảo sát thực tế tình hình ngập lụt gây ảnh hưởng sản xuất của người dân. Đồng thời yêu cầu các huyện gia cố lại những bờ bao, đoạn đê bị sạt lở; khuyến cáo nông dân tranh thủ thu hoạch nhanh diện tích lúa thu đông đã quá ngày cắt, nhằm hạn chế thiệt hại… Ông cũng yêu cầu Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại để sớm trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho bà con theo quy định.
 
Nhóm PV - (sggp.org.vn)
T/h: Ngọc Huyền - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu