Cứ mỗi lần đến chung cư Lê Thành thăm bạn, chị Nguyễn Thị Thúy lại ao ước gia đình mình sớm thoát cảnh sống trong khu trọ chật hẹp không tiện ích, nhiều bất an.
Chị Nguyễn Thị Thúy kể chị rời huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng lên TP HCM từ hồi con gái đầu lòng chưa vào lớp 1, đến nay cháu đã học cấp 3. Từng ấy thời gian, gia đình 3 người của chị phải thuê trọ khắp các dãy phòng chật hẹp ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, TP HCM để vợ chồng cùng đi làm trong KCN Vĩnh Lộc. Chị cho biết gia đình mình chịu khó, chịu khổ như vậy là để tiết kiệm tiền nuôi ước mơ an cư. Thế nhưng, ước mơ cứ mãi lùi xa so với những cố gắng không biết mệt mỏi của hai vợ chồng.
Rượt đuổi trong vô vọng
Năm 2015, khi tích cóp được khoảng 300 triệu đồng, qua báo chí, chị Thúy biết có dự án nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, hai vợ chồng lập tức đến tìm hiểu. Để rồi, đến khi nộp hồ sơ vào, chị mới hay việc trả tiền theo tiến độ khá cao, ngân hàng hỗ trợ không nhiều nên hai vợ chồng đành ngậm ngùi chờ cơ hội khác.
Cơ hội lần hai rồi cũng đến khi cuối năm 2016, một người bạn đồng hương và đồng nghiệp trong công ty cho chị Thúy hay có dự án chung cư cho thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng, đưa trước 200 triệu đồng và được sở hữu 49 năm. "Lần này, cứ ngỡ giấc mơ mười mươi thành hiện thực khi số tiền tích cóp của vợ chồng đã gần 400 triệu đồng. Vậy mà, giấc mơ an cư lại một lần nữa tuột khỏi tầm tay" - chị tiếc nuối.
Sau gần 5 năm, chị Nguyễn Thị Thúy vẫn tiếc nuối khi không tiếp cận được căn hộ ở chung cư Lê Thành. Ảnh: TẤN THẠNH
Chuyện học hành, chuyện sinh kế không đâu tốt như TP HCM nên kế hoạch về quê là kế hoạch chẳng đặng đừng".
Chị NGUYỄN THỊ THÚY
- công nhân KCN Vĩnh Lộc
Theo chị Thúy, lần đó do chị đến trễ nên nhà đầu tư cho hay số người đăng ký cao gấp nhiều lần số căn hộ của dự án nên chị không còn cơ hội. "Giờ mỗi lần lên thăm bạn ở chung cư cho thuê (chung cư Lê Thành, nằm gần giao lộ An Dương Vương - Võ Văn Kiệt), thấy cảnh gia đình họ vui vầy bên mái nhà riêng là tôi lại tiếc và mong chính quyền sớm có giải pháp quyết liệt biến ước mơ an cư của những công nhân nhập cư như tôi thành hiện thực" - chị Thúy mong mỏi. Theo chị, căn hộ của người bạn tuy chỉ 20 m2 nhưng lại là niềm ao ước của hàng vạn người đang sống trong các khu phòng trọ chật hẹp, thiếu ánh sáng.
Cũng như vợ chồng chị Thúy, cứ mỗi lần đi ngang khu lưu trú công nhân trên đường CN8 (thuộc KCN Tân Bình, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM) là chị Nguyễn Thị Huệ (quê Vĩnh Long) lại mơ ước có ngày công ty của mình có khu lưu trú để chị không phải sống trong căn phòng trọ ở ghép chưa đầy 12 m2 ở đường số 20, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân nhưng mỗi tháng, mỗi người cũng mất hơn 1 triệu đồng trả tiền thuê.
Mơ ước là vậy nhưng chị Huệ cũng biết các công ty lớn mới có khu lưu trú, chứ công ty nơi chị làm việc khó có thể làm được việc đó. "Giờ chỉ có NƠXH là chiếc phao còn lại để vợ chồng tôi bám vào khi quyết tâm ở lại TP HCM lập nghiệp" - chị bày tỏ.
Vợ chồng chị Huệ cưới nhau được 14 năm, lên TP HCM lập nghiệp 10 năm thì đã tròn 8 năm phải xa con trai và sống cảnh "vợ chồng ngâu". Lý do, để tiết kiệm tiền và thuận lợi cho việc đi làm, chồng chị với nghề thợ hồ ở lại luôn công trình, còn chị thì ở chung với 1 đồng nghiệp. "Có ai tin được rằng, dù ở cùng TP nhưng hai vợ chồng khi nhớ nhau quá thì phải thuê khách sạn làm "phòng hạnh phúc". Nghĩ tới là mắc cỡ…" - chị Huệ ngại ngùng.
Theo chị Huệ, tất cả nỗi niềm riêng tư được anh chị thống nhất để cùng vượt qua, những mong tiết kiệm đủ tiền mua được một căn hộ giá rẻ để gia đình đoàn tụ. "Vậy mà, sau khi tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng, vợ chồng tôi lên kế hoạch săn nhà giá rẻ nhưng bao lần đăng ký mua NƠXH là bấy nhiêu lần thất bại bởi hồ sơ không qua được "vòng gửi xe". Giấc mơ đoàn tụ gia đình theo đó cứ kéo dài" - chị bộc bạch.
Khá hơn vợ chồng chị Thúy và chị Huệ đôi chút là vợ chồng chị Trần Phương Ánh (quê Kiên Giang). Lên TP HCM 8 năm, chị làm công nhân lắp ráp linh kiện máy tính, anh làm nhân viên ngân hàng, tổng thu nhập 2 vợ chồng mỗi tháng hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, vợ chồng chị Ánh vẫn không thể có được mái nhà cho riêng mình dù đã cố "săn tìm" khi có thông tin dự án nhà ở giá rẻ được rao bán.
Mong tăng số lượng, minh bạch thông tin
Lý do "săn tìm" nhà giá rẻ luôn thất bại được anh Nhân - chồng chị Huệ - tiết lộ là dù nhiều lần nghe nói có dự án NƠXH chỗ này, chỗ kia nhưng không biết dự án đó cụ thể nằm ở đâu cũng như không rõ đối tượng, thủ tục mua như thế nào, vay vốn ngân hàng ra sao, người lao động chưa có hộ khẩu ở TP HCM có được mua hay không… "Vì vậy, khi tìm được thì có nơi mình không thuộc diện được mua, có nơi thuộc diện được mua thì mình đã "lỡ chuyến đò" từ lâu" - anh ngao ngán.
Anh Nhân cho hay với số tiền gần 600 triệu đồng đã tích cóp được, cộng với thu nhập cũng tương đối ổn định, vợ chồng anh hoàn toàn có khả năng trả tiền cọc và đóng hằng tháng cho một căn hộ NƠXH. Vì vậy, bây giờ anh chỉ mong các dự án NƠXH phải minh bạch thông tin, để những người thuộc đối tượng mua được tiếp cận một cách sòng phẳng.
"Tôi nói ra vậy là vì thực tế đã có những người mua dự án NƠXH để sang tay kiếm lời, trong khi người cần thì không biết đến thông tin" - anh Nhân giải thích. Anh hy vọng quyết tâm xây dựng NƠXH cho công nhân của TP HCM lần này thông qua văn bản chỉ đạo của UBND TP được triển khai một cách bài bản, thủ tục đơn giản, đúng đối tượng và công khai danh sách người mua một cách cụ thể, rõ ràng.
Trở lại câu chuyện với chị Thúy, hôm chúng tôi đến nhà, dãy trọ trong con hẻm trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân - nơi chị ở - vắng bóng người. Chị cho biết phần lớn công nhân chưa đi làm lại nên tranh thủ trả phòng về quê thăm gia đình sau 4 tháng giãn cách vì dịch bệnh.
"Không biết họ có quay lại hay không nhưng với tôi thì sẽ ráng thêm vài ba năm nữa, nếu không tiếp cận được NƠXH dành cho công nhân thì chắc chắn sẽ về quê để xây một mái nhà đàng hoàng" - chị Thúy quả quyết.
Quyết tâm của chị Thúy xuất phát từ việc con gái ngày càng lớn, chỗ ăn, chỗ học trong căn nhà tạm bợ không có. "Nhìn con mà thấy tội. Mình người lớn, mình dở thì mình chịu nhưng con mình đâu có dở. Con bé học khá giỏi. Vì vậy, nếu không có chỗ an cư, đợi con học xong lớp 12, tôi cho con về Cần Thơ học đại học, còn 2 vợ chồng về quê xây nhà, làm ăn sinh sống" - chị nói.
Tuy nói cứng là vậy nhưng trong thâm tâm, chị Thúy vẫn mong có được nơi an cư ở TP HCM. "Chuyện học hành, chuyện sinh kế không đâu tốt như TP HCM nên kế hoạch về quê là kế hoạch chẳng đặng đừng" - chị Thúy bày tỏ. Chị mong kế hoạch xây dựng NƠXH cho công nhân của TP HCM lần này được thực hiện một cách quyết liệt và thực sự "thấu hiểu" cho đời sống của người lao động ngoại tỉnh muốn gắn bó lâu dài cùng TP.
"Hy vọng tới đây, số lượng nhà sẽ không còn khiêm tốn, thông tin không còn hạn chế, thủ tục không còn phức tạp để tôi và hàng chục vạn gia đình khác có nơi cư trú ổn định, có mái nhà được gọi là của mình" - chị Thúy kỳ vọng.
Cũng như chị Thúy và anh Nhân, chị Huệ chỉ mong suy nghĩ quay về quê làm lại từ đầu của vợ chồng chị không bao giờ thành hiện thực. "Giờ chúng tôi chỉ mong cơ quan nhà nước làm sao để suất mua NƠXH đến đúng đối tượng cần mua, để vợ chồng tôi có cơ hội ở lại TP HCM, cùng xây dựng TP ngày càng phồn vinh" - chị Huệ trải lòng.
Lập tức rà soát quỹ đất
UBND TP HCM vừa chỉ đạo hàng loạt đầu việc liên quan đến phương án triển khai xây dựng NƠXH phục vụ công nhân.
Trong đó, các sở - ngành liên quan có trách nhiệm rà soát, thống kê quỹ đất NƠXH do nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại trước ngày 15-10. Kế đến, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Mục đích là để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng NƠXH phục vụ công nhân.
Ngoài ra, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải thúc đẩy Chương trình xây dựng NƠXH phục vụ công nhân. Hằng tháng, các đơn vị báo cáo tiến độ định kỳ cho UBND TP HCM.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)