Thứ năm, 09/04/2020,10:45 (GMT+7)
Để công nghiệp chế biến tạo ra “vàng ròng” cho nông sản
Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5 đến 7%/năm; hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất lớn. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp chế biến thật sự phát triển và mang lại giá trị lớn cho toàn ngành nông nghiệp thì còn cả chặng đường dài…
Để công nghiệp chế biến tạo ra “vàng ròng” cho nông sản
Chế biến rau, củ, quả ở Nhà máy Tanifood tại huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành. Ảnh: MỘC TRÀ
 
Bài 1: Nâng tầm nông sản nhờ công nghiệp chế biến
 
Đầu tư vào chế biến sâu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đồng thời giải quyết tốt nhất tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên trong lĩnh vực nông nghiệp. Còn trong tình hình hiện nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến xuất, nhập khẩu nông sản của nhiều quốc gia thì công nghiệp chế biến lại càng chứng minh vai trò quan trọng của nó đối với nông, lâm, thủy sản.
 
Chế biến “giải cứu” nông sản
 
Từ đầu tháng 2-2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến giao thương tại các cặp cửa khẩu biên giới bị đình trệ, dẫn đến tình trạng các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu bị ùn ứ, không thể thông quan. Hàng trăm nghìn tấn thanh long tại các địa phương sản xuất chủ lực như Bình Thuận, Long An, đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được. Trong bối cảnh đó, sự kiện đáng chú ý là chuỗi hệ thống bánh ABC của đầu bếp Kao Siêu Lực đã cho ra mắt món bánh mì thanh long nhằm ‘’giải cứu’’ mặt hàng này khi không thể xuất sang Trung Quốc. Ông Kao Siêu Lực cho biết, ABC đã phát triển một công thức mới, thay thế 60% nước trong hỗn hợp bột bằng sinh tố thanh long để cho ra những mẻ bánh mì có mầu hồng tươi. Sáng tạo này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách hàng khiến ABC phải nâng mức sản xuất lên đến 20 nghìn chiếc/ngày và giới hạn một người chỉ được mua năm chiếc/lần. Câu chuyện thú vị này cho thấy, nhờ có chế biến sâu, thanh long đã không chỉ là mặt hàng buộc phải xuất tươi mà hoàn toàn có thể trở thành nguyên liệu cho một sản phẩm mới bán rất đắt hàng và cho giá trị cao hơn hẳn so với thông thường. Đặc biệt, nó mở ra một hướng đi mới cho việc sử dụng sản phẩm thanh long về lâu dài.

Cũng tập trung vào khâu chế biến, Công ty TNHH sản xuất và thương mại ATK Việt Nam (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) thực hiện đối với rau, củ, quả, cho ra đời những sản phẩm tinh chế như: bột rau củ sấy chuyên dùng cho trẻ em ăn dặm, sản phẩm thải độc cho người lớn và các sản phẩm dinh dưỡng cho người bệnh. Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại ATK Việt Nam Nguyễn Thị Thu chia sẻ: Trước đây, nhìn bà con nông dân trồng rau, củ rất vất vả, nhưng vào vụ thu hoạch rộ thì giá rất rẻ, thậm chí phải đem cho, tôi tự nghĩ tại sao không gắn nông nghiệp với chế biến. Từ đó, tôi mày mò, tìm hiểu các loại máy chế biến, học hỏi các cách thức chế biến rau, củ, quả với nguồn nguyên liệu trên vùng trồng của mình và vùng trồng liên kết với bà con. Hiện, nhiều sản phẩm như bột rau củ, mì chũ rau củ, bùn chùm ngây, trà thảo dược, dấm gạo… được người tiêu dùng khá tin tưởng và cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm gốc. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng không còn chịu cảnh thừa ế, giá rẻ, mà ngược lại có những thời điểm chúng tôi còn thiếu cả nguyên liệu chế biến. Chính vì vậy, công ty cũng đang có hướng mở rộng liên kết với nhiều vùng nguyên liệu ở các địa phương khác để bảo đảm tạo ra lượng hàng hóa thường xuyên.
 
Từ những câu chuyện nhỏ đó cho thấy, chính việc chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm từ gạo, trái cây, rau củ… đã phần nào giải được bài toán tồn đọng, ùn ứ nông sản hay thiếu kho lạnh dự trữ… Chế biến luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, và trong bối cảnh hiện nay nó lại càng chứng minh cho điều đó. Theo nhận định của nhiều hiệp hội ngành hàng chế biến và xuất khẩu nông sản, thì trong bối cảnh dịch Covid- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các sản phẩm chế biến (đồ hộp, đông lạnh, cô đặc, sấy) dự kiến sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh do tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng, nhất là tại các thị trường Việt Nam vốn đã có lợi thế và đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
 
Chủ động thị trường, gia tăng giá trị
 
Song song với việc góp phần giải quyết tình trạng “giải cứu” nông sản thì chế biến cũng đóng một vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động thị trường tiêu thụ, từ đó có thể giữ giá hàng hóa và nâng tầm cho nông sản Việt Nam. Điển hình là hoạt động chế biến, xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị DOVECO Đinh Cao Khuê thì phần lớn sản phẩm của công ty là các mặt hàng rau, củ, quả đã qua chế biến sâu, thời hạn bảo quản lâu, phù hợp nhiều thị trường trên thế giới, do vậy không lo ngại nhiều đến vấn đề tồn ứ hàng hóa ở vùng nguyên liệu hay các rủi ro khách quan khác. Chính vì vậy mà khi dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn các sản phẩm của công ty vẫn xuất khẩu bình thường. Theo đó, nông sản tại các vùng nguyên liệu vẫn được công ty thu mua chế biến theo đúng tiến độ. Hiện, công ty đã đầu tư nhà máy chế biến rau, quả ở hai tỉnh: Ninh Bình và Bắc Giang. Và mới nhất là khánh thành một Trung tâm chế biến rau, quả ở tỉnh Gia Lai để chế biến nhiều dòng sản phẩm rau, củ, quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật…
 
Trong khi đó, đối với lĩnh vực thủy sản, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cũng nêu rõ: Khi thị trường xuất khẩu có biến động, doanh nghiệp nào đẩy mạnh công nghiệp chế biến thì sẽ có rất nhiều lợi thế. Tình hình hiện nay cũng thế, dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia ngừng nhập các sản phẩm tươi sống, thay vào đó là tập trung nhập đồ hộp, đồ đông lạnh. Do đó, các sản phẩm chế biến dự báo sẽ còn tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới. Ngoài ra, việc bảo quản các mặt hàng đã qua chế biến sâu cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với hàng tươi sống, cho nên doanh nghiệp hạn chế được rủi ro khi xảy ra tình trạng tồn hàng tạm thời.
 
Đặc biệt, đối với ngành hàng lâm sản, chế biến đã mang lại giá trị gia tăng rất cao, như nhận định của Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Ngô Sỹ Hoài: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã đạt 11,2 tỷ USD - con số không chỉ ấn tượng trong nước mà còn với cả quốc tế. Ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã thành con gà đẻ trứng vàng. Điều này có được là do ngành hàng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ việc chỉ gia công cho người nước ngoài đến chủ động mẫu mã thương hiệu, từ việc chỉ làm hàng giá rẻ đến làm hàng nội thất giá trị gia tăng lớn. Hiện, đã có những doanh nghiệp Việt Nam ký được hợp đồng trang trí nội thất lên đến hàng chục triệu USD cho những khách sạn hạng sang của Mỹ, các nước châu Âu hay các lâu đài ở Trung Đông. Như vậy, chúng ta không chỉ xuất khẩu sản phẩm gỗ mà còn xuất khẩu cả không gian kiến trúc, không gian sống với thương hiệu Việt, đem lại giá trị kinh tế rất cao.
 
Tổng hợp số liệu sơ bộ của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, tất cả các tỉnh, thành phố hiện đều có doanh nghiệp chế biến đối với các ngành hàng nông, lâm, thủy sản chính. Tỉnh ít nhất cũng có hai ngành hàng chế biến (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Đà Nẵng); có bốn địa phương: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương có 10 đến 11 ngành hàng chế biến. Bước đầu một số ngành hàng, các doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản. Chế biến nông, lâm, thủy sản đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng.
 
ÁNH TUYẾT - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu