Thứ ba, 28/01/2020,10:20 (GMT+7)
Để du lịch đồng bằng "cất cánh"
Các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều điểm, khu du lịch, hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Tuy nhiên, để du lịch đồng bằng “cất cánh” cần liên kết để phát huy tối đa những tiềm năng và thế mạnh toàn vùng.
Khu du lịch Happyland, huyện Bến Lức
Khu du lịch Happyland, huyện Bến Lức
 
Tiềm năng lớn
 
ĐBSCL là vùng đất trù phú với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt. Nơi đây còn có sự giao thoa văn hóa với nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo, lễ hội, sự kiện của cộng đồng các dân tộc. Những điều đó tạo nên tiềm năng, thế mạnh về du lịch cho toàn vùng. Trong đó, mỗi địa phương có thế mạnh riêng.
 
Long An, vùng đất anh hùng, được biết đến với đôi dòng Vàm Cỏ và những địa danh đi vào lịch sử. Với những điểm, khu du lịch hấp dẫn, đậm bản chất, giá trị riêng, Long An ngày càng thu hút nhiều du khách đến và tham quan. Đến với Long An, du khách có thể thả hồn vào những câu hò, ngón đờn ngọt ngào, hay thăm thú những ngôi nhà cổ khắp mọi miền được quy tụ tại Khu du lịch (KDL) Làng cổ Phước Lộc Thọ (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa). Du khách có dịp tìm hiểu cơ bản nét văn hóa đặc trưng của người Việt khắp các vùng miền thông qua các hoạt động tái hiện cảnh buôn bán ở các chợ truyền thống, chợ nổi, cộng với những sản vật, ẩm thực khắp mọi miền được gói gọn trong không gian văn hóa 3 miền của người Việt tại KDL Happyland (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức).
 
Ngược về vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, du khách có thể tham quan KDL sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), KDL Cánh Đồng Bất Tận (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa), Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng) để được hòa mình vào thiên nhiên trong bát ngát hương tràm, nghe chim hót, bơi xuồng len lỏi giữa những cánh rừng tràm và thưởng thức những món ăn đặc sản như cá lóc nướng trui, thịt chuột nướng, bông súng,… nhâm nhi chút rượu Long An. Đặc biệt, nếu đến với vùng này vào dịp mùa nước nổi (thường bắt đầu từ tháng 8-10 hàng năm), du khách có thể trải nghiệm bơi xuồng trên những cánh đồng ngập nước từ địa phương này qua địa phương khác để có thể hiểu hơn về mùa nước nổi nơi đây …
 
Chị Lê Mỹ Xuyên (Việt kiều Mỹ) cho hay: “Mỗi năm, gia đình tôi về Việt Nam 2 lần, tranh thủ thăm gia đình, bạn bè rồi cả nhà cùng nhau đi du lịch. Gia đình thường chọn về vùng sông nước miền Tây vì tôi rất thích những con sông, kênh, rạch nơi đây. đi hầu hết các tỉnh, thành ở miền Tây nhưng mỗi lần ghé qua Long An đều cho tôi cảm giác mới lạ. Vùng đất này làm con người ta bịn rịn khi phải chia tay. Gia đình thường đến KDL Làng nổi Tân Lập. Ở đó, tôi tha hồ tận hưởng cảm giác bình yên trong không khí êm ả, mát dịu và chèo xuồng trong những con rạch, hai bên là những rừng tràm phủ bóng. Khi về nước, tôi sẽ giới thiệu bạn bè về Việt Nam và đến với Long An trải nghiệm để hiểu, biết về đất, người nơi đây”.
 
Không chỉ có nhiều địa điểm hấp dẫn du khách bằng những khung cảnh thiên nhiên mà Long An còn được biết đến là vùng đất anh hùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Tỉnh ngày càng quan tâm, đầu tư, tôn tạo các di tích để vừa giữ gìn nét văn hóa, truyền thống, vừa thu hút, phát triển du lịch. Nếu có dịp đến TP.Tân An (Long An), các bạn đừng bỏ qua Bảo tàng Long An - nơi lưu giữ, trưng bày rất nhiều hiện vật quý hiếm. Du khách cũng không thể bỏ qua Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Nơi đây tái hiện toàn bộ quá trình hoạt động, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân Long An. Mỗi người sẽ có dịp hiểu và biết thêm những giá trị truyền thống của quê hương, giáo dục lòng yêu nước của mỗi thế hệ và bản thân phải có trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước giàu, mạnh. 
 
Cần liên kết phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Cần liên kết phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
 
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng, Long An có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Vị trí địa lý thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông, có đường biên giới dài và cửa khẩu quốc tế. Long An có đời sống văn hóa khá đa dạng, phong phú với 111 di tích lịch sử (DTLS) - văn hóa (21 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia; 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trên 200 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau; 10 loại hình nghệ thuật truyền thống, 18 nghề truyền thống.
 
Bên cạnh đó, nhiều KDL mới được đầu tư, tôn tạo hòa vào mạng lưới các khu, điểm du lịch, các DTLS và công trình văn hóa đã có, nhằm đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm du lịch của tỉnh: KDL Happyland, KDL sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen,…
 
Long An luôn quan tâm và tiếp tục đầu tư, tôn tạo các điểm du lịch, đưa vào khai thác những hoạt động du lịch mới nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, khai thác các loại hình dịch vụ phục vụ khách tham quan, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ khác. Với những thế mạnh trên, Long An hứa hẹn đem đến những trải nghiệm khó quên cho du khách. 
 
Từ Long An, du khách có thể đến tỉnh Đồng Tháp để tiếp tục hành trình khám phá du lịch ĐBSCL. Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước, nhiều sản vật nổi tiếng như lúa, gạo, hoa kiểng, trái cây và thủy sản, Đồng Tháp mang những nét riêng biệt, đặc trưng. Bên cạnh đó, địa phương này còn có các giá trị văn hóa, lịch sử, nghề trồng lúa nước gắn với yếu tố sinh thái ngập nước mang đậm bản chất Nam bộ. Du khách có thể đến tham quan những mô hình du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái - ẩm thực, du lịch trải nghiệm giáo dục, trải nghiệm - nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, KDL sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa Sa Đéc, Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt,… 
 
Du khách tham quan Làng hoa Sa Đéc (Ðồng Tháp)
Du khách tham quan Làng hoa Sa Đéc (Ðồng Tháp)
 
Anh Trần Văn Cao, ngụ quận 10, TP.HCM, chia sẻ: “Tôi từng đến Đồng Tháp nhiều lần nhưng mỗi lần đến là một lần mới mẻ. Địa phương có nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Ở đó, tôi và gia đình tìm được cảm giác yên bình, hiểu thêm nét văn hóa của người Đồng Tháp nói riêng và người miền Tây nói chung”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Thanh Hùng, địa phương có nhiều điểm du lịch thu hút du khách. Mỗi địa điểm của địa phương là một nét riêng, mới, tạo cho du khách có những trải nghiệm khác nhau. 
 
Hiện nay, Đồng Tháp tiếp tục mời gọi đầu tư vào nhiều dự án như KDL sinh thái Xẻo Quýt, huyện Cao Lãnh khai thác du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; KDL Tràm Chim gồm dự án khu dịch vụ vui chơi, giải trí, nhà nghỉ sinh thái, ẩm thực, quà lưu niệm và dự án đầu tư khai thác môi trường rừng phục vụ du lịch dã ngoại, nghỉ dưỡng; KDL sinh thái Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh; KDL sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tháp Mười khai thác du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử,… Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu, đưa hình ảnh Đồng Tháp đến với bạn bè trong và ngoài nước.
 
Tạm chia tay Đồng Tháp, du khách có thể xuôi theo tuyến Quốc lộ 1 về tỉnh Bạc Liêu để tiếp tục khám phá nét đẹp của ĐBSCL. Từ xưa, Bạc Liêu đã nổi tiếng là mảnh đất trù phú, giàu thắng cảnh đẹp. Con người nơi đây cần cù, chân chất, nghĩa tình, hào sảng, yêu nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đờn ca tài tử. Đến đây, du khách có thể được nghe những giai thoại ly kỳ về cuộc đời công tử Bạc Liêu, tham quan Khu nhà công tử Bạc Liêu, KDL Nhà Mát, Sân chim Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu,… Bên cạnh đó, mảnh đất này còn là nơi lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc đặc sắc như DTLS Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, DTLS Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu,… Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch Bạc Liêu - Cao Xuân Thu Vân cho biết: Vị trí địa lý thuận lợi cùng với nhiều điểm đến hấp dẫn, du lịch tỉnh nhà có những bước phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây. Hạ tầng tại các điểm, KDL được quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư. Nhất là, tỉnh phát triển tuyến tàu cao tốc du lịch biển từ TP.Bạc Liêu - Hòn Trứng (Hòn Anh, Hòn Em) - Côn Đảo, KDL sinh thái gắn với tham quan điện gió,… Bạc Liêu - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử đang ngày một đổi mới, hứa hẹn đem đến cho du khách một chuyến tham quan, du lịch mới lạ, đáng nhớ.
 
Liên kết để phát triển
 
Mặc dù là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với thế mạnh về các loại hình du lịch phong phú: Du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, đảo,… cùng với các sản phẩm du lịch đa dạng nhưng du lịch ĐBSCL chưa thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có. Các địa phương trong vùng hầu như "mạnh ai nấy làm", thậm chí còn cạnh tranh, "giẫm chân" lẫn nhau khi các loại hình du lịch na ná nhau. Các tỉnh, thành trong vùng nhất thiết phải liên kết cùng nhau phát triển du lịch nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, mỗi địa phương hình thành cho mình từng loại hình cụ thể với sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, biến cái riêng thành cái chung, cái nổi bật cho du lịch toàn vùng. 
 
Điện gió Bạc Liêu
Điện gió Bạc Liêu
 
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV DVLH Saigontourist - Trần Quốc Bảo, ĐBSCL có thế mạnh lớn về du lịch với các loại hình và sản phẩm khá đa dạng. Các địa phương trong vùng cần liên kết với nhau và kết nối với TP.HCM để làm du lịch. Ví dụ, khách đến TP.HCM muốn trải nghiệm du lịch miền Tây thì ít nhất, các địa phương trong vùng phải có tiếng nói chung để kết nối tour, tuyến và giới thiệu những khu, điểm du lịch đặc trưng của chính mình. Từ đó, hạn chế được sự trùng lắp và tránh nhàm chán cho du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, hệ thống các dịch vụ (nhất là các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế để hướng đến du khách nước ngoài), nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thương hiệu riêng vùng đồng bằng, tăng cường công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu hình ảnh địa phương và quan tâm công tác bảo vệ môi trường.
 
Còn Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: Việc liên kết phát triển có yếu tố quyết định đến thành công của ngành du lịch tại các địa phương trong vùng ĐBSCL. Vùng này cần phải kết nối với TP.HCM để làm du lịch. Các địa phương cần có những định hướng, giải pháp kết nối cụ thể. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề về liên kết, kết nối giao thông, quy hoạch tuyến kết nối sản phẩm du lịch, liên kết tiếp thị truyền thông về du lịch, bảo đảm môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện, nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch. Có như thế, các địa phương mới có thể phát huy và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch của từng tỉnh, thành và toàn vùng.
 
Khu Lưu niệm đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Khu Lưu niệm đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: Du lịch vùng ĐBSCL thời gian qua có những bước tiến mới. Tuy nhiên, vùng này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế vốn có. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng và vùng với TP.HCM là hết sức cần thiết. Trong đó, từng địa phương phải xác định, xây dựng được sản phẩm đặc thù của địa phương mình, từ đó tạo ra sản phẩm du lịch cho cả vùng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có những chiến lược, cơ chế đồng hành, thúc đẩy doanh nghiệp lữ hành khai thác sản phẩm du lịch đặc thù đó. Có thể kêu gọi các tập đoàn lớn tham gia để tạo sự bứt phá trong du lịch./.
 
Tại Hội nghị lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương là xu hướng tất yếu. Phó Thủ tướng hoan nghênh ý kiến sáng lập Hội đồng Phát triển du lịch vùng TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, mới có thể phát huy hết lợi thế, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh từng tỉnh, thành trong vùng nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.
Lực Nguyễn - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu