Các thủ tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Theo hướng dẫn từ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH)Việt Nam, để nhận tiền bảo hiểm (BH) thất nghiệp, NLĐ cần thực hiện theo một số bước theo trình tự quy định tại Điều 46 Luật Việc làm 2013.
Thứ nhất, Chuẩn bị hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Căn cứ điều 16 Nghị định số 28 ngày 12-3-2015 của Chính phủ, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu ); Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Sổ BHXH.
Thứ hai, Nộp hồ sơ đến trung tâm dịch vụ việc làm.
Trong vòng ba tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi muốn nhận trợ cấp.
Người lao động có thể ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 42/NQ-Chính phủ ban hành ngày 9-4 vừa qua về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, NLĐ được phép gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) trong thời gian từ ngày 1-4- 2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Thứ ba, Xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, NLĐ chưa tìm được việc làm thì đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho NLĐ.
Thứ tư, Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khoản 2, điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong vòng năm ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH sẽ chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho NLĐ kèm theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Hằng tháng, cơ quan BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ.
Thứ năm, Thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng.
Sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu, những tháng sau đó, NLĐ phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Quyền lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động được hưởng với chế độ BH thất nghiệp với nhiều quyền lợi. Đó là được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá năm lần mức lương cơ sở hoặc năm lần mức lương tối thiểu vùng.
Họ cũng được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau. Ngoài ra, NLĐ được hỗ trợ học nghề với mức tối đa một triệu đồng/người mỗi tháng; được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Trong ba tháng đầu năm nay, khoảng 153 nghìn lao động đã nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp. Đây cũng là một trong những chính sách an sinh xã hội nhằm chăm lo cuộc sống trước mắt của NLĐ.
Ở thời điểm hiện tại, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ Gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Để tới khi đại dịch Covid-19 suy giảm, nền kinh tế vận hành trở lại bình thường, NLĐ có cơ hội trở lại làm việc, tiếp tục đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.
Hướng tới lợi ích lâu dài, NLĐ không nên lựa chọn BHXH một lần để cùng Nhà nước tự bảo đảm an sinh xã hội cho bản thân khi về già, nhất là khi hết tuổi lao động.