Những ngày lưu lại trên TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi thực sự nặng lòng khi liên tục xem những hình ảnh, video clip thể hiện sự lộng hành của các băng nhóm xã hội. Điều ấy trái hẳn với vẻ ngoài hào nhoáng tưởng như thanh bình của thành phố đảo.
Lộng hành
Tháng 10 vừa qua, ngay sau khi vụ nổ súng tranh chấp đất đai làm 6 người thương vong tại TP Phú Quốc, phóng viên Báo Người Lao Động liên tục nhận đơn thư kèm hàng loạt hình ảnh, video clip nhiều nạn nhân tố cáo bị các băng nhóm xâm hại tài sản, đe dọa tính mạng.
Video clip do bà Nguyễn Mỹ Liên (ngụ phường Dương Đông, TP Phú Quốc) cung cấp cho thấy một nhóm gần 20 người mang hung khí xông vào nhà rượt đuổi người, đập phá đồ đạc và ném chất nổ đe dọa. "Trước đó, gia đình tôi có xô xát với hàng xóm do tranh chấp ranh đất. Chồng tôi bị ném đá chấn thương nặng, đối tượng gây án sau đó cũng đã bị kết án tù... rồi thì xảy ra việc ném chất nổ trên. Tôi đã nhiều lần gửi đơn tố giác tội phạm và cung cấp chứng cứ nhưng hơn 3 năm mà chưa có kết luận gì từ cơ quan chức năng" - bà Liên bức xúc.
Còn ông Phạm Văn Tam (ngụ xã Gành Dầu, TP Phú Quốc) cung cấp hình ảnh vừa bị nhóm người lạ ngang nhiên đưa xe cuốc vào đập bẹp dí căn nhà tạm của ông trên phần đất đang chờ giải quyết tranh chấp. Ngày 22-8 vừa qua, ông Tam làm đơn tố giác tội phạm gửi Công an TP Phú Quốc nhưng chưa được thụ lý. Theo trình bày của ông Tam, trong số người đến phá nhà thì vài đối tượng bị tuyên án trong vụ án gây rối trật tự công cộng gồm 47 bị cáo mà TAND tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử đầu tháng 7-2022.
Còn hàng chục vụ khác đầy đủ clip ghi hành vi phạm tội của các băng nhóm xã hội nhưng chưa có kết quả xử lý cuối cùng. Theo người dân, gần đây xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng đứng sau thuê mướn, xúi giục gây án chưa thực sự bị động đến khiến họ hoang mang và nơm nớp lo sợ bị trả thù. Trong số này, có cả những vụ án giết người.
Điển hình như đêm 9-3-2022 tại quán karaoke Quốc Quỳnh 1 ngay trung tâm phường Dương Đông, chỉ vì can ngăn mâu thuẫn giữa 2 băng nhóm mà ông Trần Hoàng Giang (SN 1969) bị hơn 10 kẻ vây đánh đến tử vong. Mặc dù Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can song gia đình nạn nhân tiếp tục khiếu nại vì nhận định chủ mưu đang ung dung ngoài vòng pháp luật.
Nhóm người lạ đập phá, ném chất nổ vào nhà người dân. (Ảnh do người dân cung cấp)
Sẵn sàng dùng vũ lực
Phú Quốc có trên 300 dự án đang được đầu tư, không ít trong số này xảy ra xung đột về đất đai với người dân. Kéo theo đó, các băng nhóm đứng ra bảo kê cho việc bao chiếm đất thuộc đất rừng, đất của nhà nước quản lý, đất dự án... sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Ngoài ra, chúng còn núp bóng cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp để hoạt động "tín dụng đen", tổ chức sử dụng ma túy...
Một trong những thủ đoạn thường thấy của các băng nhóm muốn chiếm đất là dò la thửa đất nào đó chưa có sổ đỏ là lập tức kéo tới lập hàng rào, dựng chòi rồi cắm bảng "đất đang tranh chấp, không chuyển nhượng". Sau đó, các đối tượng cho người tới đo vẽ, đe dọa ép các hộ lân cận ký xác nhận giáp ranh, ngụy tạo nguồn gốc đất trước khi trình ra chính quyền cấp xã xác nhận. Chủ đất nếu muốn được yên để làm thủ tục cấp sổ đỏ trước khi chuyển nhượng, cất nhà ở... thì phải chung chi cho kẻ bao chiếm với mức từ 10%-20% giá trị thửa đất.
Các băng nhóm tội phạm ở Phú Quốc không chỉ hoạt động riêng lẻ mà còn có dấu hiệu cấu kết với một số chủ đầu tư dự án và ngang nhiên ép dân nhượng đất. Nổi lên trong chuyện này là việc nhiều hộ có đất bị ảnh hưởng bởi một đại dự án ở phường An Thới, TP Phú Quốc đã liên tục gửi đơn tố cáo dấu hiệu chủ đầu tư thuê băng nhóm xã hội san bằng nhà cửa, phá hoại thành quả lao động, cây lâu năm trên đất của mình... nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Từ các vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, có thể thấy thực trạng người dân và cả doanh nghiệp nhờ tới "anh em xã hội" giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp đất, đòi nợ thuê không còn là nguy cơ nữa mà đã là thực tế đáng lo ngại. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa các nhóm xã hội trong việc tranh giành quyền bảo kê quán bar, nhà hàng, những vụ việc chỉ vì muốn xưng hùng xưng bá mà dằn mặt đối phương... cũng là các vấn đề nhức nhối.
Kiên quyết đấu tranh
Nhận định tình hình tội phạm ở TP Phú Quốc phức tạp, Công an tỉnh Kiên Giang tăng cường lực lượng ra đóng quân thường trực trên đảo. Ngoài ra, Bộ Công an cũng bố trí lực lượng cảnh sát cơ động ở đây. Việc khoanh vùng, nhận diện các tay "anh chị" đồng thời được tiến hành.
"Quan điểm của Công an tỉnh Kiên Giang là kiên quyết đấu tranh trấn áp các loại tội phạm manh động, nguy hiểm hoạt động theo kiểu băng nhóm tại Phú Quốc thời gian qua. Việc thu thập hồ sơ, chứng cứ có thể khó khăn, kéo dài nhưng lực lượng công an vẫn quyết tâm thực hiện để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân" - đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết.