Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS đã bộc lộ rõ những ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tình hình tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh; riêng nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Trong nhiều tháng liền, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng không có nguồn thu. Số lượng các doanh nghiệp BĐS tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019, 200 sàn hoạt động cầm chừng, gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS bị sụt giảm mạnh, trong quý 1-2020 chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký.
Mặc dù vậy, thị trường BĐS cũng đã le lói những dấu hiệu tích cực. Đáng chú ý là mảng BĐS công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ tại một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Hà Nội và TPHCM… nhờ đón nhận các nhà đầu tư rời bỏ thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, thị trường nhà ở thương mại trong các đô thị, loại hình BĐS nghỉ dưỡng cũng đã bắt đầu có giao dịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS vẫn rất khó có cơ hội bứt phá, khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Nhà ở xã hội được xây dựng tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết, đến thời điểm này, trong lĩnh vực BĐS vẫn có gần 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật. Nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành thị trường BĐS còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Các quy định trong việc điều chỉnh sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, như BĐS du lịch vẫn còn thiếu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, bên cạnh việc cần hoàn thiện thể chế liên quan đến BĐS, thị trường này đang cần lấy con người và công nghệ làm 2 khâu đột phá trong tương lai. Theo đó, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin để có thị trường BĐS số, cần có thiết chế quản lý và nguồn nhân lực vận hành thị trường...
Tập trung phân khúc nhà ở xã hội
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để khôi phục thị trường BĐS, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã tập trung vào nhóm giải pháp cấp bách nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, Chính phủ có Nghị quyết 41 về việc cấp thêm vốn cho phát triển phân khúc này. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp các địa phương rà soát danh mục nhà ở xã hội trên cả nước, nhà ở công nhân các khu công nghiệp để ngân hàng cho vay trong năm 2020.
Bên cạnh đó, nhóm giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng được Bộ Xây dựng đề xuất, cụ thể là các chung cư có diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành làm rõ nội dung quy định, cải cách thủ tục để người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện, từ xác định quỹ đất đến lựa chọn chủ đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ. Dự kiến, dự thảo sửa đổi nghị định này sớm trình Chính phủ trong quý 3-2020.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính để việc triển khai các dự án xây dựng được thực hiện nhanh, dễ dàng hơn (ví dụ, miễn cấp phép với dự án được thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở…).
Về giải pháp lâu dài, lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, việc chồng chéo các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản sẽ được rà soát, sửa đổi. Những nội dung sửa đổi trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã được Bộ Xây dựng thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội, khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực ngay.
BÍCH QUYÊN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)