Thứ hai, 16/11/2020,07:21 (GMT+7)
Đi tìm diện mạo du lịch an toàn cho Cần Thơ
Năm 2020 thật sự đầy thách thức với ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vấn đề hiện nay đặt ra cho các nhà quản lý, kinh doanh và hoạt động du lịch không còn là ứng phó tạm thời, mà phải sống chung với dịch bệnh. Vậy đâu là giải pháp lâu dài, phù hợp và hiệu quả?
Chương trình kích cầu du lịch, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp.
Chương trình kích cầu du lịch, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. 
 
Thực trạng và giải pháp
 
Trong xu thế chung, du lịch Cần Thơ cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Ðể ứng phó, ngành du lịch địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu, phục hồi sau dịch COVID-19 (đợt 1). Các hoạt động này bước đầu giúp du lịch có tín hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, COVID-19 tái bùng phát ở Ðà Nẵng và một số địa phương hồi cuối tháng 7-2020 khiến ngành du lịch tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều cơ sở lưu trú phải tạm đóng cửa; các đơn vị lữ hành bị hủy tour, ngưng hoạt động; lao động trong lĩnh vực du lịch rơi vào cảnh thất nghiệp, tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, khách lưu trú tại TP Cần Thơ chỉ đạt trên 1,1 triệu lượt, giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ du lịch là 2.045 tỉ đồng, giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Trước thực trạng này, ngành du lịch Cần Thơ đưa ra nhiều kịch bản ứng phó, trong đó xác định sống chung và thích ứng với dịch bệnh là một hành trình lâu dài, cần sự ổn định với những giải pháp phù hợp, linh hoạt theo tình hình thực tế. Trong đó, yếu tố an toàn phải được ưu tiên hàng đầu. Ngành du lịch Cần Thơ đã xây dựng bản đồ du lịch an toàn, chương trình kích cầu du lịch thành phố với chủ đề “Cần Thơ - An toàn và ấm áp”, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch kích cầu hấp dẫn với khoảng 72 doanh nghiệp tham gia. Ðến nay, có 60 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình kích cầu với giá giảm từ 10-50% và nhiều chương trình khuyến mãi khác, áp dụng từ nay đến 31-1-2021.
 
Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Theo Vietravel ghi nhận, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 8 đã có khách hàng đăng ký tour trở lại, trung bình mỗi tuần có 2-3 đoàn khởi hành. Trong tháng 9 và tháng 10, Vietravel đã phục vụ gần 15.000 lượt khách, nhiều đoàn có số lượng khách lên trên 500 người. Ðiểm đến được đa số khách hàng ưu tiên lựa chọn là Vũng Tàu, Côn Ðảo, Phan Thiết, Phú Quốc… Trong đó, Cần Thơ và ÐBSCL có ưu thế về điểm đến an toàn, có lượng khách ổn định. Ðiều này cho thấy, thị trường không chỉ cho một tín hiệu vui, mà còn gợi ý rất rõ cho ngành du lịch 2 yếu tố quan trọng. Ðầu tiên, kích cầu du lịch là thiết yếu, cần ưu tiên hàng đầu; cần chú trọng tính liên minh, liên kết vùng và các khu vực nhằm thu hút du khách, kích cầu tiêu dùng nội địa. Thứ hai là truyền thông về du lịch an toàn phải được thực hiện hiệu quả và xuyên suốt, đảm bảo truyền tải được tiêu chí “Du lịch an toàn - An toàn để du lịch” để đánh bật rào cản về tâm lý e ngại dịch bệnh”.
 
Ðồng quan điểm, bà Võ Xuân Thư, Tổng Giám đốc Khách sạn Victoria Cần Thơ, cho rằng: “Việc thực hiện các tiêu chí an toàn là giải pháp hàng đầu, lâu dài và bền vững, nhưng cần có sự đồng bộ, đồng lòng thì mới tạo được hệ thống an toàn tốt. Ðó cũng là cách mà hệ thống Victoria đang làm trước, trong và cả sau dịch bệnh, nhằm luôn duy trì nghiêm sự cẩn trọng trong đảm bảo an toàn cho du khách. Chúng ta phải tạo cho du khách ý thức tự bảo vệ bản thân. Kế đến là sự chia sẻ và liên kết giữa các đơn vị làm du lịch. Phải đồng lòng liên minh thì việc kích cầu mới hiệu quả”.
 
Diện mạo du lịch an toàn
 
Chưa thể nói rõ khi nào dịch bệnh COVID-19 mới thực sự chấm dứt, do đó ngành du lịch cần phải có những giải pháp lâu dài, hướng đến bền vững và hiệu quả hơn. PGS.TS. Lưu Thanh Ðức Hải, Trường Ðại học Cần Thơ, cho rằng: “Chúng ta phải biến thách thức, đe dọa thành cơ hội, điểm tựa để vượt qua. Ngành du lịch phải xác định sống chung với dịch bệnh mới có thể đưa ra những giải pháp thiết thực, linh động theo từng hoàn cảnh cụ thể”. Ðồng quan điểm, bà Lê Ðình Minh Thy chia sẻ: “Thực tế sau giai đoạn thích nghi ứng phó, chúng ta phải chủ động thay đổi, làm mới cho phù hợp với tình hình mới. Trước đây, thế mạnh của chúng tôi là thị trường quốc tế, nhưng dịch bệnh đã tạo thách thức để chúng tôi tập trung nhiều hơn nữa ở thị trường nội địa. Chúng tôi làm mới các sản phẩm, dịch vụ theo những tiêu chí mới, đáp ứng thị trường mới. Trong đó, Vietravel đã chủ động tìm và xây dựng liên minh chuỗi sản phẩm, dịch vụ cung ứng từ lưu trú, vận chuyển, điểm đến, ẩm thực trên cơ sở những tiêu chí an toàn: điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và đội ngũ nhân viên được tập huấn an toàn”.
Du khách trải nghiệm du lịch canh nông tại Cần Thơ.
Du khách trải nghiệm du lịch canh nông tại Cần Thơ. 
 
Giải pháp cho một quy trình vận hành du lịch an toàn, cách thức chứng nhận, hay việc tự nguyện liên kết cùng nhau thực thi theo các quy chuẩn về điểm đến du lịch an toàn... là những yếu tố quan trọng để hướng đến hoạt động du lịch an toàn. Ông Phan Ðình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng: Phải tập trung xây dựng hệ thống an toàn, bao gồm: điểm đến, giao thông, dịch vụ, ẩm thực, sức khỏe; đồng thời cần thành lập liên minh du lịch an toàn. Theo ông Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, an toàn du lịch phải đáp ứng các yêu cầu về cách thức liên kết, tiêu chí an toàn phải có tiêu chuẩn được thống nhất chung, công nghệ thực hiện và cơ chế linh hoạt. Liên kết ở đây là theo không gian, sản phẩm du lịch và tiếp cận hệ thống, theo chuỗi du lịch vận tải - lữ hành, điểm đến - lưu trú và các hoạt động kết hợp trong chuỗi... có sự hợp tác, chia sẻ. An toàn du lịch phải có tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện. Thực tế, mỗi tỉnh, thành hiện đều có những tiêu chuẩn an toàn riêng nhưng vẫn chưa có sự thống nhất chung. Do đó, cần thiết phải xây dựng, ban hành chung cho cả quốc gia theo vùng, theo ngành như: vận tải, lưu trú…
 
Từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “An toàn là tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động du lịch của Cần Thơ, vì thế chúng tôi triển khai chương trình “Cần Thơ - An toàn và ấm áp”. Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị viễn thông xây dựng trang web du lịch thông minh, để du khách biết thêm về bộ tiêu chí và bản đồ du lịch an toàn của Cần Thơ. Hiện nay, chúng tôi đã cập nhật dữ liệu đến hết tháng 10, còn về xây dựng bản đồ du lịch an toàn cũng đã niêm yết trên Cổng thông tin du lịch của thành phố và trang mạng xã hội mà chúng tôi quản lý. Ngoài ra, chúng tôi đang thiết lập mạng lưới chung các doanh nghiệp đăng ký và thực hiện những tiêu chuẩn an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: đẩy mạnh công tác truyền thông về du lịch an toàn của địa phương, phát triển sản phẩm du lịch mới và tổ chức các hoạt động du lịch, tăng cường quảng bá du lịch, triển khai chương trình kích cầu du lịch”.
 
Những giải pháp về liên kết, liên minh kích cầu với chuỗi dịch vụ cung ứng, ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch, những cơ chế thích ứng linh hoạt, vai trò của lữ hành... là những điều cần được cân nhắc trong việc tìm giải pháp hiệu quả, bền vững trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch Cần Thơ theo định hướng an toàn, phát triển bền vững.
 
Bài, ảnh: ÁI LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu