Thứ năm, 15/08/2019,08:52 (GMT+7)
Đĩa than trở lại?
Ca sĩ Quang Dũng tâm sự từ nay anh chỉ phát hành sản phẩm âm nhạc của mình ở định dạng đĩa than (vinyl). Lý do: "Đơn giản vì ở tuổi này, tôi cần làm những gì mình cho là tử tế nhất.

Tôi từ chối tham gia vòng xoáy bon chen khắc nghiệt của thị trường để tìm đến những giá trị đích thực về chất lượng sản phẩm lẫn khán thính giả" - ca sĩ Quang Dũng nói.

Nghệ sĩ violin Hoàng Rob vừa ra mắt album "Trò chuyện" với phong cách chủ đạo pop ballad mang năng lượng tích cực tiếp cận các đối tượng người nghe, ở các định dạng cassette, CD, USB và đĩa than. Điều này khẳng định đĩa than đang có đời sống riêng trên thị trường âm nhạc hiện nay. Theo một vài nhà phát hành đĩa than có tiếng ở Việt Nam, dù xuất hiện không rầm rộ nhưng những bản ghi âm đĩa than vẫn có thị phần riêng mình. Thậm chí, khách hàng của thị trường hẹp này ngày càng được "trẻ hóa". Giang Trang vừa kết thúc hành trình bảy năm gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng đĩa than "Lênh đênh nhớ phố". Đồng Lan cũng vừa ra mắt album nhạc Trịnh Công Sơn "Này em có nhớ" ở các định dạng CD, đĩa than. Nữ ca sĩ này dành 4 năm cho việc chuyển ngữ các bài nhạc Trịnh Công Sơn sang tiếng Pháp. Sắp tới, còn có đĩa than của Bằng Kiều, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng... Trước đó, cũng có một số đĩa than được công bố: "Tình ca Phạm Duy" của Quang Dũng, "Lặng lẽ tiếng dương cầm" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, "Vinh quang Việt Nam" (Hồng Vy - Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng), "Mùa thu không trở lại" (NSND Lê Dung) và "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", "Đường em đi" (Phạm Thu Hà), "Tâm 9" (Mỹ Tâm), "Chuyện hẹn hò" (Hương Lan - Thái Châu), "Phú Quang in Symphony" (Đức Tuấn), "Những bài tình" (nhạc sĩ Quốc Bảo)...

Đĩa than trở lại? - Ảnh 1.

Thực tế, đĩa than khó có thể làm nên đột phá bởi nó đang dành cho phân khúc hẹp trên thị trường, cho người sành nghe nhạc và khó tính. Giới chuyên môn cho rằng đĩa than hướng người nghe đến "sự tử tế" bởi đĩa than không có đĩa lậu. Sức hút của đĩa than nằm ở chỗ âm thanh lạ, cuốn hút và chân thực, gần với bản thu của ca sĩ hát nhất.

Theo tạp chí âm nhạc Pitchfork (Mỹ), đĩa than sẽ trở nên phổ biến và hấp dẫn hơn vì biểu trưng cho chất lượng "vàng".

Tất nhiên, đĩa than có giá thành quá cao từ 750.000-1,5 triệu đồng/đĩa. Ca sĩ không chỉ cần có chất giọng "vàng" mà còn phải chịu chơi mới dám làm đĩa than. Còn người nghe nhạc, họ chấp nhận bỏ tiền chơi đĩa than, kể cả sắm máy nghe, chỉ vì muốn đi tìm cảm xúc thật, sự đồng điệu trong âm nhạc. Đó là lý do những sản phẩm âm nhạc bằng đĩa than vẫn có mặt và tạo nên màu sắc thú vị hơn cho đời sống nhạc Việt.

Thùy Trang - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu