Thứ hai, 24/08/2020,07:31 (GMT+7)
Điểm yếu của trái cây đồng bằng: Bảo quản, chế biến
Những ngày qua, giá thanh long, dưa hấu và nhiều loại trái cây có múi bị rớt giá thê thảm, khiến người trồng đứng ngồi không yên. Đầu ra bấp bênh không chỉ do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và tái phát trở lại ở nước ta mà còn bởi điệp khúc "rộ mùa, rớt giá" khi nhiều loại trái cây chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, khó bảo quản được lâu...
Giá "bèo bọt"!
Thanh long và dưa hấu được bày bán tại một điểm bán trái cây ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Thanh long và dưa hấu được bày bán tại một điểm bán trái cây ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
 
Giá thanh long bán lẻ tại nhiều chợ và điểm kinh doanh trái cây ở TP Cần Thơ hiện chỉ còn ở mức 4.000-7.000 đồng/kg. Còn thanh long ruột đỏ đang được nông dân bán ngay tại vườn chỉ 2.000-3.500 đồng/kg, trong khi trước đó có giá khá tốt, khoảng 20.000 đồng/kg trở lên, những lúc nghịch mùa có giá lên đến 40.000-70.000 đồng/kg. Trước đây nhờ bán được giá cao, mỗi héc-ta trồng thanh long ruột đỏ, nông dân có thể kiếm lời khoảng 500 triệu đồng/năm, còn nay người trồng thanh long có nguy cơ không thu hồi được vốn đầu tư, nhất là người mới trồng.
 
Ông Đinh Văn Ngôn có 12 công đất trồng thanh long ruột đỏ ở ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, cho biết: "Khoảng 2 tuần nay, giá thanh long bán ngay tại vườn chỉ còn trên dưới 3.000 đồng/kg, đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Với giá này nông dân bị lỗ vốn nặng do chi phí đầu tư ban đầu lên đến 350-400 triệu đồng/ha. Sau đó, phải áp dụng các kỹ thuật canh tác khá phức tạp và tốn nhiều nhân công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu".
 
Ông Lê Văn Cang, có 3 công đất trồng thanh long ruột đỏ ở ấp Trường Khương B, xã Trường Xuân B, cũng cho biết: "Giá thanh long không chỉ bị giảm thấp mà còn gặp khó tiêu thụ do địa phương chưa có các kho thu mua thanh long xuất khẩu, nông dân muốn bán thanh long cho các doanh nghiệp xuất khẩu phải chở hàng đi rất xa, tốn chi phí vận chuyển từ 500-1.000 đồng/kg. Nhưng do đầu ra xuất khẩu chậm, đơn vị mua thanh long xuất khẩu rất kén chọn trong thu mua hàng, phần lớn thanh long của nông dân đều bị xếp loại giá rẻ, chỉ từ 1.000-5.000 đồng/kg hoặc hàng loại dạt chỉ 500 đồng/kg nhưng họ không chịu mua. Riêng thanh long loại 1 giá cũng chỉ khoảng 13.000-18.000 đồng/kg, trong khi cách nay 1 tháng có giá hơn 30.000 đồng/kg".
 
Nhiều hộ dân trồng thanh long tại xã Trường Xuân B đang phải tiêu thụ hàng tại các chợ và điểm bán hàng ở địa phương và tạm thời lặt bỏ bông để dưỡng cây thanh long. Theo bà Nguyễn Thị Lượm ở xã Trường Xuân B, gia đình đầu tư 2,5 tỉ đồng để trồng thanh long, nhưng với tình hình giá cả đầu ra quá bấp bênh như hiện nay, gia đình rất lo cho tương lai lâu dài của loại cây trồng này, khi chưa có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Hiện mỗi ngày gia đình bà phải tốn gần cả triệu đồng mướn 3 nhân công túc trực chăm sóc thanh long hằng ngày. Đó là chưa kể chi phi tiền điện, nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
 
Giá thanh long giảm mạnh được cho do nguồn cung tăng vì nhiều địa phương tăng diện tích trồng và thời điểm này bước vào mùa thu hoạch chính vụ, trong khi thanh long chủ yếu được tiêu thụ dạng tươi thô, chưa phát triển được nhiều sản phẩm chế biến nên không thể bảo quản lâu. Sức tiêu thụ thanh long tại nhiều thị trường xuất khẩu và cả thị trường trong nước khá chậm so mọi năm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hơn nữa, thời điểm này, thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực của nước ta là Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu do họ nhiều vùng trồng thanh long bước vào vụ thu hoạch.
 
Nhiều loại trái cây cũng lao đao
 
Giá dưa hấu tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm hơn 50% so với cách nay khoảng 1 tháng. Ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long và An Giang, các loại dưa hấu thông thường như: dưa hấu Thành Long, dưa hấu đường… được nông dân bán cho thương lái chỉ còn ở mức 3.000-3.500 đồng/kg, trong khi trước đó có giá lên đến 7.000 đồng/kg; còn dưa hấu hạt lép hiện có giá khoảng 5.000 đồng/kg.
 
Anh Nguyễn Trung Hậu ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Tôi có 2 công đất trồng dưa hấu sắp tới kỳ thu hoạch nên rất lo. Với giá thấp như hiện nay, nếu dưa đạt năng suất khoảng 3 tấn/công trở lên, tôi còn có thể kiếm lời một vài triệu đồng, còn năng suất thấp sẽ bị lỗ vốn". Theo anh Hậu, ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến dưa hấu và nhiều loại trái cây ở nước ta dễ bị rớt giá do khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn yếu. Do vậy, rất dễ gặp cảnh "dội chợ" khi dưa hấu tại nhiều địa phương cùng bước vào thời điểm thu hoạch rộ, nhất là khi trường tiêu thụ có những vấn đề làm ảnh hưởng đến sức mua hoặc cản trở việc lưu thông, mua bán hàng như: mưa bão, dịch bệnh... Hiện nay, đa phần nông dân sản xuất tự phát, thiếu liên kết giữa các địa phương, chưa gắn kết chặt chẽ giữa nông dân với nhau và với các bên liên quan nên khó kiểm soát sản lượng, ổn định sản xuất theo nhu cầu thị trường. Dù nông dân đã nhận thức được vấn đề này nhưng còn khó thay đổi tập quán sản xuất đơn lẻ vì hiện chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân để thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
 
Bên cạnh thanh long, dưa hấu, trái cây có múi như: cam, quýt, chanh… cũng đang giảm giá mạnh so với những tháng đầu năm và so với cùng kỳ các năm trước. Các năm trước đây, giá cam xoàn bán lẻ trên thị trường ổn định ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, nhưng gần đây giá giảm chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg, chậm chí có nơi thấp hơn; nông dân bán buôn cam xoàn tại vườn cho thương lái chỉ ở mức 10.000-15.000 đồng/kg. Giá cam sành được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây cũng ở mức khá thấp, với chỉ từ 8.000-10.000 đồng/kg; cam mật 5.000-6.000 đồng/kg… Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, ngụ ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, diện tích trồng cây có múi ngày càng tăng cao tại nhiều địa phương nhưng trái cây đầu ra chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, đến mùa thu hoạch nông dân cần phải bán ngay dù giá rẻ nên hiệu quả sản xuất không đảm bảo. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm và phát triển sản xuất bền vững, nông dân rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng trong kết nối cung - cầu, mời gọi ngày càng nhiều các doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư các nhà máy thu mua, chế biến trái cây và liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu