Chủ nhật, 12/07/2020,16:04 (GMT+7)
Điện ảnh loay hoay tìm đường hồi phục
So với ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh có vẻ dễ thở hơn bởi các rạp chiếu đã được phép hoạt động trở lại từ tháng 5. Tuy nhiên, tình hình thực tế lại không mấy khả quan.
“Tenet”.
 
Na Uy là nước được phép mở lại rạp sớm nhất ở châu Âu, từ ngày 7-5. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, việc mở lại các rạp cũng không quá ồ ạt, chỉ có 15% số rạp ở Na Uy hoạt động lại. Dẫu vậy, tín hiệu đáng mừng là lượng vé bán đạt 96%, trong đó, ăn khách nhất chính là tác phẩm “Onward”. Sau Na Uy, Cộng hòa Czech cũng mở rạp từ ngày 11-5, Nhật cũng mở hàng loạt rạp. Toho Cinemas (Nhật) đã được mở lại 34 rạp ở những vùng ít bị ảnh hưởng COVID-19 từ ngày 15-5, Aeon Cinemas mở 27 rạp từ ngày 18-5.
 
Hàn Quốc được xem là quốc gia cho phép mở các rạp sớm nhất ở châu Á, kể từ đầu tháng 5. Trong khi đó, tại Jakarta (Indonesia), rạp chiếu ngoài trời ở bãi đỗ xe hơi đang được xây dựng theo xu hướng quốc tế gần đây và hoạt động từ tháng 6. Tại Dubai (UAE), trong tháng 5, rạp chiếu ngoài trời kiểu này gây cảnh tượng choáng ngợp khi được phủ kín bởi những chiếc siêu xe. Các rạp ở Trung Quốc, Ý cũng đã dần đi vào hoạt động từ tháng 6, riêng Anh có vẻ chậm hơn khi quyết định cho phép vào ngày 4-7.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, hầu như các rạp chiếu phim của các thị trường điện ảnh lớn đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chính là chọn phim gì để chiếu. Nhiều “bom tấn” đã dời lịch phát hành và cũng ít đơn vị nào mạo hiểm đưa phim ra rạp ngay lúc này. Lý do là vì chưa thể dự báo sức tiêu thụ của thị trường điện ảnh sẽ giảm hoặc thay đổi ra sao sau đại dịch. Ðó cũng chính là lý do “Tenet” của Christopher Nolan vốn được ấn định chắc chắn vào giữa tháng 7 này, đã thay đổi phút chót khi liên tục dời lịch phát hành. “Tenet” được xem là “thuốc thử” để các nhà sản xuất, phát hành xem xét thị trường, trước khi để “Black Widow”, “Fast & Furious 9”, “Wonder Woman 1984”, “Top Gun: Maverick” ra rạp. Nhưng việc rút lui đột ngột của “Tenet” đã khiến nhiều người hoang mang, vì nó tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, khiến các phim khác bị dồn ứ, đổi lịch theo.
 
Trước đó, thói quen khán giả thay đổi, chuyển từ rạp về các nền tảng trực tuyến đã khiến các nhà sản xuất, phát hành lo ngại. Mặc dù nền tảng trực tuyến được cho là mở lối thoát cho ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn khó khăn vì dịch COVID-19, nhưng nó là con dao hai lưỡi khi đang dần tác động và thay đổi thói quen, thị hiếu của khán giả. Khán giả bây giờ có thêm nhiều lựa chọn hơn là đến rạp. Các chuyên gia cũng dự báo rằng, sau dịch bệnh, các hãng phim sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng trực tuyến để mở rộng thị trường đến khán giả toàn cầu.
 
MINH NHIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu