Chủ nhật, 16/05/2021,09:33 (GMT+7)
Điện thoại Việt "teo tóp" sau chia tay Vsmart
Thị trường còn duy nhất điện thoại thông minh thương hiệu Việt Bphone
Lý do VinSmart chính thức dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động vào ngày 9-5 được Vingroup đưa ra là để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" (thông tin - giải trí - dịch vụ) cho ôtô VinFast.
 
Đáng tiếc!
 
Sau gần 3 năm phát triển kể từ thời điểm ra đời vào tháng 6-2018, VinSmart đã cho ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu tivi. Tạo được ấn tượng hơn cả là điện thoại Vsmart với vị trí thứ 3 trong tổng thị phần điện thoại thông minh (smartphone) trên thị trường Việt Nam. Vsmart cũng được vinh danh là thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020.
Điện thoại Việt teo tóp sau chia tay Vsmart - Ảnh 1.
Điện thoại Vsmart vẫn còn hàng bán tại nhiều cửa hàng
 
"Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ôtô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này" - ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup, giải thích.
 
Thông tin Vsmart rút khỏi thị trường gây bất ngờ lớn cho các nhà bán lẻ bởi thực tế dòng dòng smartphone này có sức tiêu thụ khá tốt tại hầu hết các điểm bán lẻ của FPT Shop, Thế Giới Di Động, CellphoneS. Thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GFK cũng cho thấy thị phần Vsmart tại Việt Nam trong tháng 3 vừa qua là 8,2%; đứng thứ 6 trong danh sách các thương hiệu nội và ngoại trên thị trường. Trước đó, thời điểm tháng 12-2020, Vsmart từng vào tốp 4 hãng smartphone bán chạy nhất Việt Nam và chiếm 12,1% thị phần.
 
"Có thể nói Vsmart là thương hiệu điện thoại Việt có bước chiếm lĩnh thị trường ngoạn mục nhất nên họ rút lui là điều rất đáng tiếc. Trước đó, đã có nhiều thương hiệu điện thoại Việt đã từng chào sân thị trường như Q-Mobile, Asanzo, Mobiistar hoặc các thương hiệu của nhà mạng như VNPT, Viettel nhưng hầu hết cũng bỏ cuộc chơi hoặc chỉ còn góp mặt ít ỏi ở siêu thị" - ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, bày tỏ.
 
Điện thoại Trung Quốc áp đảo
Sau hàng loạt lời chia tay từ các hãng điện thoại Việt, nhất là hãng đang được khách hàng Việt yêu thích hiện nay là Vsmart, hiện chỉ còn Bphone của Công ty CP BKAV được coi là điện thoại thông minh thương hiệu Việt đúng nghĩa. Song, đây không phải là cái tên có thể đem lại kỳ vọng cho thị trường. Đại diện Thế Giới Di Động cho biết cách đây vài năm, nhà bán lẻ này nhận tiêu thụ độc quyền điện thoại Bphone B2 và đưa vào 100 siêu thị thuộc hệ thống. Tuy nhiên, sức tiêu thụ rất chậm nên chỉ sau 3-4 tháng mở bán đã phải ngưng và rút hàng. Gần đây nhất, vào tháng 5-2020, mẫu máy B40 của Bphone ra mắt nhưng không rõ lý do gì đến nay vẫn chưa chính thức bán ra thị trường.
 
Các hệ thống bán lẻ và chuyên gia công nghệ chung nhận định điện thoại thương hiệu Việt rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện điện thoại xuất xứ Trung Quốc chiếm đến 50% thị phần Việt Nam với rất nhiều thương hiệu như Oppo, Xiaomi, Vivo, Huawei, Meizu, Lenovo..., mức giá từ trên dưới 1 triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng, đáp ứng nhu cầu khách hàng đa dạng. Với điện thoại xuất xứ Hàn Quốc, Thế Giới Di Động thừa nhận chỉ riêng Samsung đã đóng góp khoảng 38%-39% tổng doanh thu của hệ thống này. Ngoài ra, doanh thu đến từ Apple của Thế Giới Di Động đạt 23%-26% tùy thời điểm.
 
Trong khi đó, số phận của điện thoại thương hiệu Việt lại rất lận đận. Mobiistar từng có thời điểm vào tốp 5 thương hiệu smartphone trên thị trường Việt Nam với thị phần gần 10%. Năm 2018, nhãn hiệu này còn tấn công thị trường Ấn Độ nhưng đến 2019 đã lặng lẽ rút khỏi thị trường. Asanzo, Q-Mobile... cũng có số phận tương tự dù thời điểm ra mắt cũng tạo được sự hào hứng và tò mò nhất định cho người dùng. Hiện chỉ còn 2 thương hiệu điện thoại của ông chủ Việt là Masstel, Mobell đang tập trung vào các mẫu máy phím bấm với mức giá chỉ vài trăm ngàn, song không sản xuất, lắp ráp trong nước mà đặt hàng hoàn chỉnh từ Trung Quốc rồi đưa về tiêu thụ.
 
Ông Nguyễn Lạc Huy nhận định một trong những lý do khiến nhiều thương hiệu smartphone của Việt Nam sớm lụi tàn là bởi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp không đủ, trong khi đây là cuộc chơi dài hạn và tốn kém. "Sản lượng thấp nên mức độ đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển) thấp, khó có tính đột phá, khó cạnh tranh được với các hãng lớn về mặt tính năng. Chưa kể, người tiêu dùng còn có tâm lý phân vân khi chọn mua hàng ngoại hay hàng nội với cùng một số tiền bỏ ra" - ông Huy lý giải thêm.
 
Ông Phùng Đông Hưng, đại diện Asanzo, nhìn nhận sở dĩ điện thoại thương hiệu Việt bị lép vế là do hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang thông qua chính sách chọn thị trường Việt Nam làm nơi xả hàng tồn của quốc gia láng giềng này. Họ đưa hàng sang bán với giá không lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ 30%-40%. "Asanzo đã cố gắng đưa ra thị trường hơn 20 mẫu điện thoại giá từ hơn 100.000 đồng đến khoảng 2 triệu đồng/máy. Giá này không có lãi, thậm chí lỗ nhưng vẫn không cạnh tranh được nên chúng tôi phải rút lui từ năm 2020" - ông Hưng thông tin. 
 
Chỉ có tem mác Việt?
 
Nhiều thương hiệu Việt trước đây phần lớn không có năng lực sản xuất nên sản phẩm chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc. Do đội ngũ của Việt Nam không tham gia nhiều vào quá trình tạo ra sản phẩm nên cơ bản không chủ động được về mẫu mã sản phẩm. Xét về bản chất, các sản phẩm này chỉ có tem mác Việt và không đúng nghĩa là sản phẩm của Việt Nam.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hải - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu