Thứ sáu, 03/04/2020,08:56 (GMT+7)
Doanh nghiệp, người dân đồng lòng phòng chống dịch
Các tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là đối tượng đang chịu tác động rõ rệt nhất của dịch COVID-19: doanh số bán hàng giảm sút, kinh doanh, buôn bán ế ẩm. Dù khó khăn song các thành phần kinh tế đều nghiêm túc tuân thủ Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu duy trì hoạt động không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của xã hội mà còn trang trải chi phí vận hành, chi phí trả lương cho người lao động, trả lãi suất cho các khoản vay ngân hàng…
 
Các sạp hàng tại chợ An Hòa vẫn đầy ắp thực phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
 
Sáng 1-4, tại chợ An Hòa các quầy hàng rau củ quả, các sạp bán thịt heo, thịt bò, gà vịt, thủy hải sản của tiểu thương vẫn duy trì buôn bán như ngày thường với đầy đủ các mặt hàng. Nhiều người đeo khẩu trang kín mít trong lúc chọn mua những thực phẩm cần thiết rồi nhanh chóng ra về. Khách hàng đi chợ ít hơn trước nhưng không có tâm lý gom hàng tích trữ vì chợ vẫn duy trì hoạt động bình thường. Chị Lê Thị Kiều Hạnh, một tiểu thương chuyên bán gia cầm tại chợ An Hòa, chia sẻ: "Những ngày gần đây, lượng người đi chợ giảm rõ rệt. Hàng hóa tại chợ vẫn cung ứng đầy đủ chủng loại như ngày thường nhưng ai cũng muốn mua nhanh để về nhà. Trước đây nếu tính trung bình mỗi ngày tôi bán ra trên dưới 100 con gà vịt thì nay chỉ bán được khoảng 30 con. Dù buôn bán ế ẩm hơn trước nhưng tôi cũng ráng cầm cự để có đồng ra đồng vào cho gia đình".
 
Gần 1 tuần nay, chị Lương Thị Kim Lệ, chủ quán cơm Thanh Mai, trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài dán thông báo trước cửa quán "Quán bán mang về, mong quý khách thông cảm, do phòng bệnh COVID-19. Xin chân thành cảm ơn quý khách!". Chị Lệ chia sẻ: "Quán chuyên bán cơm phục vụ cho sinh viên, người lao động với giá mỗi phần chỉ 22.000 đồng. Nay sinh viên không đi học, cộng thêm nhiều người e ngại ăn hàng quán nên lượng khách đã giảm đến 80%". Mặt bằng của quán mỗi tháng chị Lệ thuê hơn 10 triệu đồng. Nay ảnh hưởng dịch bệnh, chị tuân thủ không bán tập trung tại quán, chỉ duy trì bán cho khách mang về để trang trải chi phí thuê mặt bằng.
 
Còn chị Nguyễn Thị Kiều Trang, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long chuyên mua bán ve chai đã hơn 17 năm nay. Hằng ngày, chị chạy xe máy qua Cần Thơ để mua ve chai và bán lại cho vựa quen ở đường Phạm Ngũ Lão. Chị Trang tâm sự: "Chồng tôi làm thợ hàn nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có hàng để làm. Con gái làm công nhân may giày da đang được công ty cho nghỉ việc tránh dịch. Trước đây mỗi ngày tôi cũng kiếm thêm được trên dưới 200.000 đồng để phụ tiền chợ. Từ khi dịch bệnh, tôi chỉ qua Cần Thơ thu mua ve chai khi có mối quen gọi điện thoại và kiếm được chừng 70.000-80.000 đồng/ngày. Giờ vựa ve chai thông báo không thu mua để tránh dịch, mình cũng nghỉ ở nhà chờ đến khi vựa mở lại".
 
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chủ động giải pháp thích ứng như cho nhân viên tạm nghỉ việc ở nhà trong "15 ngày vàng". Ông Phan Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất - Chiếu sáng LED160, chia sẻ: Trong tháng 3, doanh số bán hàng của công ty giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Các đơn vị chuyên về quảng cáo tạm ngưng hoạt động nên mảng kinh doanh đèn LED quảng cáo của công ty sụt giảm đáng kể. Còn ở mảng kinh doanh thiết bị điện công trình dân dụng, thi công nội thất của công ty hiện nay chủ yếu phục vụ khách hàng cũ đang tiếp tục hoàn thiện nhà chứ không có khách hàng mới. Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công ty đã cho một số nhân viên ở các tỉnh được nghỉ việc để về nhà phòng tránh dịch trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1-4. Do đây chỉ là tạm nghỉ để phòng tránh dịch nên đội ngũ nhân viên đều đồng tình. Bên cạnh đó, công ty vẫn duy trì 3 cửa hàng trong hệ thống LED160 để phục vụ nhu cầu mua thiết bị điện sinh hoạt của khách hàng.
 
Tại TP Cần Thơ, trong những ngày đầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ, điều ghi nhận là người dân hoàn toàn tin tưởng vào các giải pháp Chính phủ đề ra. Đơn cử như trong tình hình lượng khách hàng đến chợ An Hòa có giảm, chị Lê Thị Kiều Hạnh vẫn lạc quan: "Tôi phải duy trì việc buôn bán ở chợ hằng ngày nhưng những người thân trong gia đình rất tuân thủ việc hạn chế ra đường trong những trường hợp không cần thiết. Việc khách hàng không đi chợ nên buôn bán có phần giảm sút là lẽ đương nhiên. Tôi cũng mong Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa với đối tượng tiểu thương, những người buôn bán nhỏ. Chẳng hạn như giảm lãi vay ngân hàng cho cả người dân lẫn doanh nghiệp vì không chỉ doanh nghiệp mà những người kinh doanh buôn bán nhỏ như tôi ít nhiều cũng vay ngân hàng và đang gánh áp lực không có tiền trả lãi khi buôn bán ế ẩm hơn trước".
 
MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu