Chủ nhật, 21/06/2020,15:47 (GMT+7)
Doanh nghiệp nỗ lực kích cầu thị trường
Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn bình thường mới với nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp (DN) là vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt để đón thời cơ khôi phục thị trường, ổn định sản xuất kinh doanh. DN tại TP Cần Thơ đang nỗ lực kích cầu thị trường sau dịch là việc cần bắt tay vào làm ngay nhằm bù đắp việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, dồn sức hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Taekwang Cần Thơ.
 
Khó về đầu ra
 
Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, có 705 cơ sở trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, chiếm nhiều nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ với 518 cơ sở. Ngành Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch COVID-19. Đối với các đơn vị kinh doanh trong ngành khách sạn, ở thời điểm tạm nghỉ do dịch, các đơn vị tiến hành công tác duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập trung đào tạo nghiệp vụ, tay nghề cho nhân viên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
Ông Trần Yên Vinh, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ, chia sẻ: Sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, cuộc sống người dân dần trở lại bình thường, các hoạt động trong nước cũng dần khởi sắc trở lại, tình hình hoạt động của khách sạn Mường Thanh dần ổn định. Bên cạnh các chương trình siêu ưu đãi giảm giá phòng, khách sạn cũng đưa ra hàng loạt chính sách, chương trình giảm giá kích cầu cho hội nghị, hội thảo, tiệc cưới và các dịch vụ khác của khách sạn. Mặc dù chưa có khách du lịch quốc tế nhưng lượng khách du lịch nội địa, khách công vụ về Cần Thơ đã bắt đầu tăng, đặc biệt là trong tháng 6 và tháng 7 tới. 
 
Còn ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ: Gạo nằm trong số ngành hàng ít bị ảnh hưởng về đầu ra bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, các đơn hàng đã ký đều bị giãn thời gian. Đơn cử là Trung An có 2 đơn hàng bị giãn tiến độ giao đến tháng 8, tháng 9. Khi đơn hàng giao chậm dòng vốn thu hồi về cũng bị xáo trộn không theo như kế hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ vay cho ngân hàng. Do đó, DN mong muốn được ngân hàng quan tâm giải quyết giãn nợ cho DN. Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế chính sách của Chính phủ cần được đi nhanh vào cuộc sống, tránh chính sách đẹp nhưng chậm đi vào cuộc sống.
 
Tổng hợp kết quả khảo sát vào tháng 5-2020 của VCCI, DN cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đánh giá COVID-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I-2020 so với quý IV-2019. Phần lớn DN đều đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giảm đi, trong đó, giảm mạnh nhất là lượng đơn đặt hàng mới (80,7%), tổng doanh thu (77,8%), lượng mua nguyên vật liệu đầu vào (61,6%) và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị (61,1%). Số lượng DN có tình hình sản xuất kinh doanh tăng lên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ từ khoảng 3,5-6,6%, chủ yếu là các DN hoạt động sản xuất trang thiết bị trong ngành y tế, găng tay, khẩu trang y tế.
 
Sớm khôi phục thị trường
 
Nhiều DN sẵn sàng bắt tay ngay vào các hoạt động kết nối giao thương, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để bù đắp kết quả kinh doanh bị giảm sút trong quý I và quý II. Ông Trần Yên Vinh, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ, cho rằng: Để các DN du lịch sớm phục hồi và đi vào hoạt động bình thường, thành phố cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn cho DN: xem xét giảm thuế thu nhập DN, tiếp tục duy trì tính giá điện sản xuất thay vì điện kinh doanh đến hết năm 2020. Thành phố cần tổ chức thêm nhiều chương trình xúc tiến quảng bá du lịch của TP Cần Thơ và ĐBSCL với các vùng, địa phương tiềm năng trên cả nước, đặc biệt là các địa phương có đường bay thẳng đến TP Cần Thơ.
 
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), chia sẻ: “Hiện nay, DN chưa thấy tín hiệu mới trong trạng thái bình thường mới, cũng như các tín hiệu mới từ thị trường trong nước và quốc tế. Sản xuất trong nước cơ bản hoạt động bình thường nhưng nhu cầu thế giới chưa thể tăng do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước vẫn áp dụng biện pháp cách ly cộng đồng nên sức tiêu thụ hàng hóa vẫn còn rất chậm”. Theo ông Lam, những khó khăn của DN Cần Thơ chủ yếu là tìm kiếm khách hàng, tìm nguồn vốn, tìm kiếm nhân sự, đối tác kinh doanh, tìm thị trường và DN phải tự thân vận động. Cộng đồng DN cũng đề xuất thành phố có kiến nghị đến Chính phủ xem xét sớm mở cửa nền kinh tế, tiếp cận thị trường quốc tế. Chính quyền thành phố cần tiếp tục tham gia ý kiến sâu đối với các dự án trọng điểm quốc gia, bởi thành phố rất cần cơ sở hạ tầng làm nền tảng. Nếu các dự án lớn quy mô cấp vùng được cải thiện, rút ngắn tiến độ sẽ tạo đà cho thành phố phát triển.
 
Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thành phố xác định sẽ tiếp tục tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh kịp thời thông tin, tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tập trung hỗ trợ, phục hồi nhanh sản xuất gắn với thực hiện các giải pháp kích cầu xã hội như kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan xúc tiến giao thiệp, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thông quan hàng hóa xuất khẩu. Về nội thương khuyến khích DN quan tâm xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch, nhất là du lịch nội địa cũng như đón đầu, thực hiện các chính sách khuyến mãi du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại các đường bay quốc tế.
 
Bài, ảnh: Minh Huyền - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu