Thứ sáu, 31/05/2019,10:14 (GMT+7)
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần thay đổi để thích ứng với thị trường Trung Quốc
Những thay đổi lớn trong chính sách nhập khẩu nông sản hiện nay của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu nông sản của Đồng Tháp, trong đó gạo là một trong những mặt hàng bị tác động nhiều nhất. Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, so với cùng kỳ năm trước kim ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo giảm 35,84%.

Việc Trung Quốc tăng rào cản kỹ thuật và áp thuế cao khiến cho xuất khẩu gạo sang thị trường này của doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn

Trung Quốc tăng rào cản kỹ thuật và áp thuế cao lên mặt hàng gạo

Từ năm 2019, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam và các nước ASEAN. Cụ thể, gạo Việt Nam muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu. Trường hợp không đáp ứng sẽ bị từ chối cấp chứng thư nhập khẩu, thời gian áp dụng là từ giữa năm 2019.

Hiện Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc chỉ cho phép tổng cộng 22 doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đảm bảo các tiêu chí và rào cản mà Trung Quốc đưa ra được xuất khẩu gạo chính ngạch sang quốc gia này. Tuy nhiên, để có “giấy thông hành”, các DN này phải đáp ứng những đòi hỏi bao gồm việc tất cả các lô gạo phải được cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra chất lượng - từ vùng trồng, nhà máy sản xuất cho đến kho bãi và công tác khử trùng trước khi gạo được xuất sang nước họ.

Trung Quốc đột ngột áp thuế nhập khẩu gạo ở mức rất cao kể từ ngày 1/7/2018, thuế suất nhập khẩu các loại gạo là 40-50%, chỉ riêng gạo tấm là 5% đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ lúa gạo. Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này.

Thay đổi và thích ứng

Từ thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất, hiện nay, Trung Quốc chỉ đứng ở top 7 trong số các quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam. Những thay đổi lớn về chính sách nhập khẩu là nguyên nhân chính khiến cho kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này bị sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với gạo Việt Nam thì thị trường 1,4 tỷ dân này vẫn là thị trường tiềm năng mà gạo Việt không thể bỏ qua.

Ông Lê Phát Long - Giám đốc Công ty TNHH Phát Tài, huyện Lấp Vò cho rằng, những thay đổi trong chính sách nhập khẩu gạo của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tại nhiều DN. Nếu trước đây, các DN nhỏ có thể xuất khẩu dưới hình thức ủy thác thì hiện nay hình thức này không thể thực thi tại thị trường Trung Quốc. Trung Quốc siết chặt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật, công nghệ chế biến... Nếu DN xuất khẩu gạo Việt Nam không đảm bảo các tiêu chuẩn Trung Quốc đưa ra thì coi như gạo Việt Nam không thể vào được thị trường Trung Quốc. Sắp tới đây, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bản thân DN Việt Nam phải thay đổi. Việt Nam là một nước xuất khẩu mạnh về lúa gạo và thị trường Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam. Chính vì vậy, để đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu thì vấn đề DN tự đổi mới, tự nâng cấp công nghệ là chuyện cần phải làm.

Trong chuyến thăm Đồng Tháp đầu tháng 5, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao chất lượng gạo của địa phương và mong muốn được kết nối hợp tác

Tuy nhiên, nhiều DN cũng cho biết, một số yêu cầu về rào cản kỹ thuật trong nhập khẩu gạo của Trung Quốc vẫn chưa thật sự rõ ràng. Song song đó, việc Trung Quốc chỉ chấp nhận cho 22 DN xuất khẩu gạo của Việt Nam được xuất khẩu gạo qua thị trường Trung Quốc đã gây ra không ít khó khăn cho các DN còn lại.

Ông Đặng Văn Khương - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp đề nghị, thời gian qua, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã phối hợp cùng nông dân và các hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu có kiểm soát chất lượng ổn định, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác nói chung. Đồng thời, DN cũng đầu tư công nghệ chế biến gạo hiện đại phù hợp với các tiêu chí gắt gao của các thị trường nhập khẩu gạo đưa ra.

Từ những nền tảng đó, DN rất mong muốn phía Chính phủ Trung Quốc và phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sớm mở đoàn kiểm tra đánh giá và cấp giấy chứng nhận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho các DN xuất khẩu gạo đủ điều kiện, trong đó có Công ty Lương thực Đồng Tháp. Nếu có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ổn định sẽ là nền tảng để DN có thêm thị trường tiêu thụ cũng như tăng khả năng thu mua lúa gạo cho nông dân.

Theo ông Hà Bửu Khánh - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương Đồng Tháp, dẫu ngành gạo Việt Nam chỉ mới tập trung vào thị trường Trung Quốc khoảng hơn 5 năm gần đây so với lịch sử xuất khẩu gạo từ những năm 1990, nhưng đây là một thị trường khổng lồ và họ đang dịch chuyển từ lượng sang chất. Do vậy, ngành gạo cũng cần có những thay đổi phù hợp để có thể tận dụng cơ hội từ thị trường này.

Mỹ Lý - (baodongthap.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu