Thứ hai, 12/10/2020,07:56 (GMT+7)
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc
Tuổi thơ trong mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng được nghe về sự tích bánh chưng, bánh giầy. Hai loại bánh gắn liền với truyền thống và phong tục tập quán của người Việt Nam.
Chiếc bánh giầy của người dưới xuôi thường chỉ một màu trắng nhưng riêng với người dân tộc Tày ở Bản Rùa (trong tiếng Tày là bản Bán Tâu, ở xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) quê mình, chiếc bánh giầy có rất nhiều màu được làm từ các loại rau củ tự nhiên. 
 
Màu đỏ lấy từ lá cây cẩm đỏ, màu tím từ cây cẩm tím, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá nếp và màu đen từ tro rơm. Những màu sắc này được tạo ra từ việc đun lấy nước hoặc giã các loại lá cây hoặc củ khác nhau có sẵn trong tự nhiên, sau đó lấy nước của chúng đem đi ngâm gạo. Những màu sắc này làm cho chiếc bánh giầy thêm phần hấp dẫn và bắt mắt.
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc - Ảnh 1.
 
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc - Ảnh 2.
5 màu nước chiết xuất từ củ nghệ và các loại lá
 
Trước khi làm bánh thì phải dạo vườn một vòng để thu hái tất cả các loại rau củ nói trên rồi giã hoặc đun lấy nước màu ngâm gạo. Gạo ngâm 8 giờ được mang đi hấp thành xôi. Ở bản mình thì vẫn dùng những cái chõ hấp xôi được làm từ thân cây gỗ. Người ta đục bỏ phần lõi của cây gỗ, sau đó tạo thành cái chõ để đựng gạo, phần đế đựng nước được làm bằng kim loại. Sau khi nước trong đế sôi lên, hơi nước nóng sẽ lan tỏa lên phần chõ, cứ như vậy sau khoảng hơn 1 giờ thì xôi chín.
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc - Ảnh 3.
Đồ xôi
 
Đối với mình thì giai đoạn khó khăn nhất trong làm bánh giầy đó là giã bánh. Xôi nếp rất dẻo và quánh nên trong khi giã việc nhấc được chiếc chày lên cũng không phải đơn giản. Thường thì phải 2 người thay nhau giã bánh, một người cầm chày để giã, người kia cầm cây đám để giữ bánh.
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc - Ảnh 4.
 
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc - Ảnh 5.
Nếp sau khi ngâm cho ra màu rất đẹp mắt
 
Nhân dùng để làm bánh giầy cũng có nhiều loại khác nhau, có thể là nhân lạc, nhân vừng, nhân đỗ hoặc nhân thịt, hay đơn giản hơn là bánh không nhân. Vị thì cũng tùy sở thích của mỗi gia đình mà nêm đường hoặc muối.
 
Xôi sau khi giã độ 30 phút thành một khối bột dẻo thì mang ra chia nhỏ và bọc nhân. Mỗi chiếc bánh sau khi nắn xong sẽ để lên lá chuối, sau đó cắt thành những hình tròn đẹp mắt và bày lên. Mình thích nhất là công đoạn này nên ngày nhỏ thường tranh làm với mẹ.
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc - Ảnh 6.
Nhân đỗ xanh
 
Độc đáo bánh giầy ngũ sắc - Ảnh 7.
 
Để làm ra được một chiếc bánh giầy ưng ý là cả một quá trình bao gồm cả kinh nghiệm, sự khéo léo và sức lực. Vì vậy, khi hoàn thành, ngồi nhâm nhi chiếc bánh giầy do chính tay mình làm ra rất tuyệt vời. Cái dẻo của vỏ bánh, cái bùi mịn của nhân hòa cùng mùi thơm của từng loại lá khiến mỗi chiếc bánh giầy, tùy vào màu sắc mà cho ra hương vị rất riêng.
 
Nếu các bạn có dịp đến với Tuyên Quang thì đừng quên thưởng thức món bánh giầy nhiều màu sắc quê mình nhé!
 
Bài và ảnh: Ma Dung - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu