Giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế sẽ thúc đẩy nhu cầu với đường sản xuất trong nước.
Theo giới phân tích, giá đường tăng mạnh trong thời gian gần đây đang mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp mía đường. So với giá đường các thị trường trong khu vực gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), giá đường Việt Nam đã tiệm cận đường Indonesia và Trung Quốc, tuy nhiên chỉ bằng nửa giá đường Philippines và cao hơn đường Thái Lan trước thuế chống bán phá giá khoảng 25%.
Sau khi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm rõ rệt. Ước tính, giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15%. Do đó, mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường có nhiều dự báo tích cực diện tích trồng và sản lượng mía, sản lượng đường có khả năng đều tăng. Dự kiến, diện tích mía đạt 151.305 ha, tăng 3%; sản lượng mía chế biến đạt 8.764.277 tấn, tăng 16,5%; sản lượng đường đạt 870.930 tấn, tăng 16,6%. Giá mía được kỳ vọng tăng 50.000 - 80.000 đồng/tấn.