Thứ tư, 07/04/2021,07:25 (GMT+7)
Du lịch dựa vào cộng đồng
Nhiều quốc gia xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn khi dựa vào cộng đồng. Khả năng đóng góp của du lịch vào GDP ở nước ta khoảng 10%. Ngay cả ý tưởng du lịch trong không gian, người ta vẫn phải kết nối với cộng đồng có nguồn lực. Nếu không dựa vào cộng đồng ấy thì dựa vào ai?
Du khách thích trò chuyện cùng nhà vườn. Ảnh: Ch.L     
 
Bài học lớn từ du khách
 
Trước hết, ngành du lịch tích hợp nhiều ngành kinh tế, tập trung nguồn lực tri thức năng động, sáng tạo, đổi mới theo hướng liên kết toàn cầu. Ðó là một cộng đồng có nguồn lực nối kết toàn cầu. Ngành Hospitality mở ra không gian cho nhiều ngành khác chứ không chỉ là ẩm thực (food & beverage) - Nhà hàng, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, quán bar…, dịch vụ lưu trú (accomodation) như khách sạn, resort, nhà nghỉ, homestay…, du lịch - lữ hành (travel & tourism) gồm các công ty lữ hành, hàng không, vận chuyển hành khách…
 
Theo “The Traveling Professionals”, bản thân “Traveling” có nghĩa là đi từ nơi này đến nơi khác, nhưng nó thường có nghĩa là một hành trình dài.
 
Bằng cách phân tích đặc điểm của Tourist/ Traveller/Visitor để nhận ra nhu cầu của du khách. Ahmet Cakir, người từng đi đến hơn 80 quốc gia, cho rằng “Thực ra không có sự phân biệt rõ ràng trong các định nghĩa. Tuy nhiên, cách phân chia đó cho thấy đặc tính của du khách là muốn khám phá những giá trị thú vị khi bước ra khỏi nhà, tiếp cận thế giới. Nói cách khác, làm du lịch là hiểu được nhu cầu của du khách, khắc họa những giá trị một cách sáng tạo, làm hài lòng du khách từ các nền văn hóa khác có nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thú vị.
 
Khách du lịch là những người đi đến một nơi khác và khám phá điều thú vị. Ở Cần Thơ, du lịch gắn với nông nghiệp là ý tưởng manh nha từ nhiều năm rồi. Tức là nhà nông sẽ tiếp xúc với khách quốc tế, việc đầu tiên là làm sao cho du khách thấy thú vị khi so sánh mình với những nước họ đã đi qua, phải có tầm nhìn quốc tế, ít nhất cũng biết mình khác hơn Thái Lan, Campuchia, Lào... Làm sao nông dân có thể biết cách nói điều người ta chưa biết về mình? Có phải đó là con đường chông gai, là thách thức đầu tiên khiến bà con mình phải đối diện với thế giới?
 
“Trời ơi, hổng dám đâu?”- không ít người e ngại khi nghe tới điều này!
 
Khó vậy, tại sao du lịch cộng đồng Cồn Sơn làm được?
 
Ðược biết đến trên các phương tiện truyền thông, Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ và nay là CLB phát triển du lịch cộng đồng Cồn Sơn đã làm được gì?
 
Ở Cồn Sơn, khi phúc lợi cộng đồng được hiểu là những gì quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống thì du lịch là giải pháp giúp cộng đồng đạt được điều này. Khi nói du lịch dựa vào cộng đồng (community-based tourism - CBT) là nhấn mạnh lợi thế của cộng đồng địa phương, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có được nhóm “cộng đồng cùng mục tiêu” - hạt nhân chuyển đổi, tìm một thủ lĩnh cộng đồng - là việc khó, nhưng phải làm. Và Cồn Sơn đã làm được.
 
“Du lịch Cồn Sơn đã bám sát mục tiêu liên kết cộng đồng và vận dụng nhuần nhuyễn mô hình AIDA, trong đó: Attention: Lôi cuốn sự chú ý; Interest: Tạo sự thích thú, quan tâm; Desire: Tạo nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ; Action: Hành động địa phương - tư duy toàn cầu” - theo TS. Võ Hồng Tú, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Ðại học Cần Thơ.
 
Sự tương tác khi du lịch dựa vào cộng đồng và cộng đồng thay đổi sinh kế từ du lịch đã tạo hiệu ứng rất tốt trong việc cải thiện thu nhập, thắt chặt quan hệ cộng đồng, thu hút nguồn nhân lực, phát triển lực lượng kế thừa…
 
Làm y như Cồn Sơn được không? Nếu vậy, chẳng khác nào lấy giày của người khác xỏ vô chân mình, chưa chắc đã vừa. Hơn nữa, thực tế đặt ra nhiều vấn đề từ nhận thức, con người xông xáo, tay nghề, sự chuyển đổi đồng bộ của hệ thống…
 
Câu chuyện Madi Valley - thay đổi từ những ngôi làng nhỏ
 
Myvawny Costelloe, Giám đốc du lịch Intrepid ở Nepal, viết: “Thoạt nhìn, không có nhiều thứ để xem ở đây. Cánh đồng lúa, làng mạc, một vài gian hàng ven đường bán trái cây và trứng. Bạn có muốn nhìn thấy một dự án du lịch; một cộng đồng homestay và các hoạt động dành cho khách du lịch quốc tế do làng tự quản?”.
 
Chính xác tại thung lũng Madi, trong vùng đệm phía Nam của Vườn quốc gia Chitwan của Nepal. Mỗi năm, hàng nghìn du khách đến thăm công viên, là một điểm nóng về đa dạng sinh học, nơi sinh sống của khoảng 700 loài động vật hoang dã và là một trong những nơi cuối cùng trên trái đất có một số loài này lang thang tự do.
 
Những con vật hoang dã này từng gây ra biết bao rắc rối cho người dân ở các ngôi làng xung quanh. Xung đột giữa con người và động vật hoang dã trong khu vực từng diễn ra và hậu quả chết người. Hươu và heo rừng đi vào ruộng phá hoại mùa màng, những con voi đi lang thang trong làng và những cuộc chạm trán với hổ… Thoạt đầu, người dân không thấy lợi ích gì từ sự bùng nổ du lịch của Nepal và cơ hội việc làm trong thung lũng này.
 
Vào năm 2015, cộng đồng ở đây liên hệ với Quỹ Ðộng vật Hoang dã Thế giới của Nepal (WWF - Nepal) để được giúp đỡ, hy vọng tìm ra cách ngăn chặn động vật hoang dã xâm nhập các ngôi làng và tìm cách tăng việc làm trong khu vực.
 
Lúc đó, nhiều thanh niên rời bỏ làng mạc để tìm việc ở Kathmandu, cách đó hơn 6 giờ, hoặc đi học để có việc làm ngoài làng hoặc ra nước ngoài. Hai năm sau khi WWF - Nepal cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ thông qua Nền tảng Ðối tác Kinh doanh (BPP) và tổ chức Intrepid bước vào - một dự án du lịch dựa vào cộng đồng (CBT) ở Shivadwar đã ra đời.
 
Theo Myvawny Costelloe, du lịch theo cách tối đa hóa tác động tích cực đến cộng đồng địa phương là trọng tâm của dự án tại Intrepid, và không có ví dụ nào tốt hơn việc hỗ trợ các dự án du lịch dựa vào cộng đồng như Madi Valley.
 
Bằng cách tổ chức một kỳ nghỉ qua đêm tại đây, dự án không chỉ mang lại lợi ích cho người dân địa phương mà còn mang đến cho khách du lịch trải nghiệm tuyệt vời bằng cách cung cấp cho họ cái nhìn sâu sắc về cuộc sống nông thôn ở Nepal.
 
Ðược hỗ trợ kinh phí, cộng đồng bắt đầu nâng cấp các homestay. 13/34 hộ kinh doanh nhà nghỉ - một phòng với hai giường, quạt, màn chống muỗi và một phòng tắm riêng nhỏ với nhà vệ sinh kiểu Tây và vòi sen nước nóng. Hiện nay, nhiều nhà nghỉ hơn thế nữa đang được triển khai; cùng lúc là sự ra đời các cửa hàng nhỏ, bán đồ uống và thức ăn nhẹ cho khách du lịch, một hội trường mới dành cho cộng đồng đã được xây dựng.
Một bữa tiệc cuốn do TS. Phil Ngo tổ chức cho những du khách là nhà nghiên cứu văn hóa từ Pháp qua Cần Thơ - có cơ hội tiếp xúc người chế biến, nghe giải thích nguyên liệu từ sông Hậu… Ảnh: Anh Khôi
 
Một chương trình hoạt động mới được thiết kế cho khách, bao gồm những hoạt động như đạp xe du ngoạn, câu cá, nấu ăn và làm nông. Một buổi biểu diễn văn nghệ đã được giới thiệu để kể về câu chuyện của thung lũng Madi và cách tộc người Pun Magar định cư ở đây.
 
Lớp trẻ bỏ làng đi tìm việc ở thành phố đang trở về Madi Valley làm việc cùng gia đình, tận dụng cơ hội phát triển du lịch. Ðường xá được xây dựng, điện được lắp đặt, hệ thống quản lý chất thải được triển khai và xung đột giữa con người và động vật hoang dã giảm hẳn nhờ hàng rào hoàn toàn mới được xây dựng xung quanh ngôi làng để ngăn những sinh vật tò mò từ Vườn quốc gia Chitwan. Một quỹ hỗ trợ được thành lập để giúp các thành viên cộng đồng khi họ bị mất mùa hoặc bị hư hỏng tài sản do động vật hoang dã phá hoại.
 
 Câu chuyện quanh ta
 
David Ressel hỏi con gái xem bé gặt hái được gì sau chuyến du lịch? “Con kết nối với một cậu bé địa phương ở Nam Phi” - cô con gái trả lời.
 
D. Ressel viết: A. Rốt cuộc, tất cả chúng ta đều giống nhau. Con người vốn sống dựa vào cộng đồng và chúng ta, đều khao khát những điều giống nhau: tình yêu, gia đình, trải nghiệm, sự tôn trọng. Càng đi du lịch càng thấy điều này. Trong một thế giới đôi khi tưởng chừng phân cực, nhưng du lịch giúp thế giới trở nên nhỏ bé hơn, kết nối hơn.
 
Du khách nước ngoài quan niệm du lịch là cách tiếp cận thế giới và họ luôn quan tâm tới nhận thức của con cái sau những chuyến du lịch.
 
Có thể tìm thấy nhiều ý kiến của du khách sau mỗi chuyến du lịch: “Du lịch dựa vào cộng đồng không chỉ mang lại cái nhìn sâu sắc thực tế về cuộc sống địa phương mà còn là sự trải nghiệm khác biệt của bạn và cả đối với người dân địa phương”; “Trải nghiệm du lịch cộng đồng rất khác nhau tùy thuộc vào quốc gia bạn đến. Mọi trải nghiệm là sự hòa đồng dù mọi thứ hoàn toàn thuộc sở hữu của cộng đồng và được quản lý nhưng thời gian lưu trú của bạn sẽ mang lại lợi ích không chỉ một gia đình mà là cả cộng đồng”.
 
Trong khi đó, xóm mình có một nhà vườn sửa lại khu vườn làm điểm đón du khách. Người này hiểu làm du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng là phải bám sát tiêu chí:
 
- Kết hợp con người, vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống hằng ngày của cộng đồng nông thôn;
 
- Thúc đẩy thực hành sản xuất bền vững;
 
- Thích ứng với cuộc sống nông thôn và bảo tồn giá trị vốn có, không khí chào đón, thoải mái và mộc mạc của nông thôn;
 
- Phát huy các sáng kiến từ tri thức bản địa từ người dân địa phương và củng cố các tổ chức địa phương;
 
- Sử dụng người dân địa phương như nguồn lực, phân phối lợi ích đồng đều, hợp lý và bổ sung thu nhập nông nghiệp của cộng đồng.
 
- Thúc đẩy quyền định đoạt của người dân địa phương trước những vấn đề hiện tại và tương lai của họ.
 
Nhưng anh ta lại hết sức dè dặt khi nói chuyện hợp tác, thậm chí nói thẳng rằng “không mua rau trái của hàng xóm vì biết láng giềng xài thuốc kiểu gì”.
 
Thế kỷ 21, vậy mà câu chuyện du lịch hướng tới nông nghiệp, nông thôn vẫn có vẻ như quá mới mẻ, rất khó tìm giềng mối để thắt chặt! Có phải đứt gãy trong cộng đồng là đây? Phải có cách vượt qua rào cản này chứ! - theo một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
 
CHÂU LAN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu