Thứ tư, 26/08/2020,08:23 (GMT+7)
Du lịch Mê Kông tìm giải pháp phục hồi bền vững và cân bằng
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Điểm đến du lịch Mê Kông lần thứ nhất với chủ đề “Phục hồi du lịch cân bằng vì một tương lai tốt đẹp hơn” vừa diễn ra chiều 25.8. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đại diện cho Du lịch Việt Nam tham dự và chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Việt Nam.
 
Hội nghị thượng đỉnh Điểm đến du lịch Mê Kông có sự tham gia của các diễn giả về du lịch hàng đầu thế giới như Nguyên Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Ông Taleb Rifai; Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) Bà Gloria Guevara; Giám đốc điều hành Hiệp hội Lữ hành châu Á Thái Bình Dương (PATA) Mario Hardy cùng lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia hàng đầu về du lịch khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).
 
Bên cạnh các diễn giả nêu trên, Hội nghị còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon; Thượng nghị sĩ- nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Weerasak Kowsurat; nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul; nguyên Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar Htay Aung; Giáo sư Simon Hudson từ Đại học South Carolina (Mỹ), tác giả cuốn sách sắp ra mắt “Covid-19 và Du lịch”; cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp du lịch.
 
Sự kiện này được Văn phòng điều phối Du lịch Mê Kông (MTCO) tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động du lịch trong khu vực và trên toàn cầu, đặt ra yêu cầu về phục hồi du lịch một cách cân bằng hơn trong tình hình mới. Nhiều chủ đề quan trọng đối với du lịch Mê Kông đã được thảo luận tại Hội nghị, bao gồm đánh giá tác động của Covid-19, dự báo tình hình, các bài học từ thực tiễn; các giải pháp từ các khối nhà nước, tư nhân, cơ quan truyền thông, tổ chức phi chính phủ…
 
Thảo luận tại Hội nghị về các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giải pháp phục hồi du lịch, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Chính phủ Việt Nam đã sớm ban hành các nhóm chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về chính sách tài chính, tiền tệ: Chính phủ Việt Nam đã cho phép gia hạn thời gian nộp thuế, hoặc miễn thuế đối với một số dịch vụ, hỗ trợ giảm giá điện, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch; thực hiện giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay với các chuyến bay nội địa; hỗ trợ người lao động trong gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng…
 
Về hỗ trợ riêng cho ngành Du lịch, Chính phủ đã chỉ đạo giảm 20% tiền điện cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân Covid-19; đồng thời giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…
 
Về các chính sách mở cửa với các nước để phục hồi du lịch quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Việt Nam đang bám sát tình hình thực tế, thảo luận với các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh để hợp tác, trao đổi khách du lịch trên cơ sở bảo đảm an toàn cho du khách và cộng đồng.
 
Các đại biểu từ Cơ quan du lịch quốc gia các nước Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc cũng đã chia sẻ các giải pháp ứng phó và phục hồi du lịch một cách bền vững và cân bằng hơn. Tình hình hiện nay đòi hỏi các nước cần có sự linh hoạt, thích ứng, chuyển đổi các mô hình quản lý và kinh doanh khi nhu cầu du lịch đang thay đổi.
 
NGUYỄN ANH - (vanhoaonline.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu