“Du lịch thông minh: Hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”
Ngày 23-10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Hội thảo quốc tế “Du lịch thông minh: hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: T.LINH)
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ hai-2020.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại diện các Bộ, ngành, các Hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các quốc gia/tổ chức quốc tế với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch thông minh.
Phát biểu khai mạc, ông Chekou Oussouman, Trưởng Đại diện văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhận định, nói về du lịch có trách nhiệm và bền vững, Việt Nam hiện nay đang đi đúng hướng, nhiều thành phố, địa phương đã phát triển được du lịch thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp,…Quảng Ninh, Hòa Bình,…nhiều nơi đã có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới, đặc biệt là việc triển khai hệ thống sinh thái thông minh để phục vụ cho du lịch.
“Hội thảo này là cơ hội để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm mà chúng ta đã thích nghi được với tình hình mới. Tôi tin tưởng này tình hình mới sẽ tạo ra cho chúng ta được cơ hội, giải pháp mới”, ông Chekou Oussouman bảy tỏ.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho hay, thời gian qua, ngành du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số, tạo ra những chuyển biến đột phá. Các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung, phát triển, triển khai ứng dụng kết nối liên thông, hệ thống thông tin phục vụ điều hành quản lý nhà nước. Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, hỗ trợ kết nối du khách, cung cấp cơ sở du lịch và cơ quan quản lý du lịch trên nền tảng chung,….
Đóng góp ý kiến theo hình thức trực tuyến, ông Yann Raival, Giáo sư Trường Đại học Polynesie thuộc Pháp lấy thí dụ về cách vận hành du lịch thông minh của thành phố Lyon, Pháp - một trong hai thành phố được trao giải TP Du lịch thông minh năm 2019. Ông Yann cho hay, Lyon đặc biệt quan tâm tới sự cân bằng giữa phát triển, môi trường và bảo vệ di sản. Ông cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để triển khai và áp dụng mô hình du lịch thông minh.
Diễn ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đang lan tỏa rộng rãi, du lịch Việt Nam cũng đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững.
Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên nhiều phương diện.
Trong hai phiên thảo luận thực chất “Du lịch thông minh: từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức” và “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam”, Hội thảo đã tập hợp các góc nhìn đa chiều để đưa ra các định hướng phát triển phù hợp cho du lịch Việt Nam.
Các diễn giả đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng triển khai du lịch thông minh ở Việt Nam cũng như trên thế giới, ứng dụng công nghệ thông minh vào du lịch, vai trò của chính quyền, các hiệp hội, doanh nghiệp… và kinh nghiệm, giải pháp quốc tế trong lĩnh vực này.
Hội thảo đã đáp ứng được kỳ vọng thu hút nhiều ý kiến thiết thực góp phần tạo nên một diện mạo mới cho phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam nói riêng, cho du lịch trong không gian Pháp ngữ nói chung.
“Du lịch thông minh” là khái niệm được hình thành và phát triển trong thời kỳ các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được tích hợp trong các công cụ và phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm đổi mới lĩnh vực du lịch.
“Du lịch thông minh” hiện nay là một cấu thành không thể thiếu của “thành phố thông minh” và đang trở thành thành phần chính trong tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, công nghệ không phải là yếu tố duy nhất khiến ngành du lịch trở nên “thông minh”. Các nguyên tắc của du lịch thông minh nằm ở việc nâng cao kinh nghiệm du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh, song song với việc bảo đảm khía cạnh bền vững của kinh tế-xã hội.