Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự hội nghị, ngoài lãnh đạo Bộ Công thương đóng vai trò là cầu nối, còn có chủ nhân của các sản phẩm OCOP phong phú đặc sắc ở nhiều địa phương, vùng miền và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sẽ là đối tác để giúp giới thiệu, phân phối, bán lẻ các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, như: Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), siêu thị Big C; đại diện các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJetAir, các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay, các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc; các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch, khách sạn, khu tham quan...
Các sản phẩm đặc sản của chương trình được đưa tới để trưng bày giới thiệu
Theo Bộ Công thương, tại 63 tỉnh, thành đã xác định được 6.010 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình đang làm ra khoảng 4.823 sản phẩm lợi thế OCOP.
Tuy nhiên khó khăn hiện nay là “đầu ra” cho các sản phẩm OCOP. Vì vậy, hội nghị lần này là cơ hội để người làm ra sản phẩm và các đối tác phân phối, bán hàng có thể gặp gỡ, hợp tác.
Ống hút hoàn toàn thiên nhiên, sạch, không độc hại làm bằng tre của một cơ sở tại tỉnh Sơn La
Trong năm 2019, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 920 để xây dựng tiêu chí các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo đó, đã có 12 địa phương như Sơn La, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bến Tre, Đồng Tháp... được lựa chọn hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Các đối tác, đại diện doanh nghiệp tiêu thụ đi trải nghiệm các sản phẩm của các đơn vị OCOP để tìm cơ hội hợp tác tiêu thụ
Tại hội nghị, đội ngũ tiếp cận nguồn hàng của các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm đã trực tiếp trải nghiệm giá trị của mỗi sản phẩm OCOP để thiết lập các kênh giao dịch, đưa ra tín hiệu thị trường. Đây là hoạt động hỗ trợ của Bộ Công thương để triển khai Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.
OCOP là tên viết tắt của Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trọng tâm là phát triển các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đặc sản mang nét riêng biệt của mỗi vùng, địa phương mà các nơi khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường để mang lại giá trị kinh tế, giá trị gia tăng cao nhất.
|
VĂN PHÚC - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)