Thứ năm, 19/12/2019,10:39 (GMT+7)
Đưa thịt heo vào chương trình bình ổn thị trường cuối năm
Thịt heo là một trong những thực phẩm không thể thiếu đối với gia đình Việt trong những ngày lễ, Tết. Năm nay, do bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, heo bị bệnh và bị tiêu hủy nhiều, lượng thịt cung cấp ra thị trường ít, nên giá cả “leo thang” .
Giá cả “leo thang”
 
Cung ít - cầu nhiều là một trong những nguyên nhân khiến giá heo hơi trên địa bàn cả nước “leo thang” thời gian qua. Bắt đầu từ mốc 52.000-53.000 đồng/kg (tháng 9-2019), giá heo hơi bắt đầu “nhích” dần lên mức 60.000-62.000 đồng/kg (đầu tháng 10-2019) và chạm mốc 70.000 đồng/kg (đầu tháng 11-2019). Không dừng lại ở đó, giá heo hơi trong và ngoài tỉnh được thương lái thu gom để đưa về lò giết mổ ngày càng ít dần, vì lượng heo trong dân đã cạn. Heo từ các trang trại nuôi với quy mô lớn, mang tính tập trung đưa ra thị trường có giới hạn, vì vậy giá thịt bên ngoài “leo thang”. “Giá heo ở mức trung bình từ 50.000-53.000 đồng/kg như vậy mà dễ mua bán. Heo hơi chạm mốc 60.000 đồng/kg, thương lái chúng tôi cũng gặp khó, vì giá càng cao thì việc thu gom hàng càng khó. Giá bán heo tăng cao, trong khi người có heo thì muốn giữ lại chờ giá tăng thêm nữa. Hiện nay, heo trong dân đã cạn nguồn, chính sự thiếu hụt nên dẫn đến giá tăng cao” - ông Trần Văn Tạo (thương lái mua bán heo ở TX. Tân Châu) chia sẻ.
 
 
 
Ông Tạo cho biết, ngày 15-12 vừa qua, giá heo trong tỉnh đã chạm mốc 86.000 đồng/kg (đối với heo mỗi con cân nặng 100kg), với mức giá này người nuôi lãi gấp đôi nhưng không có heo để bán. Giá heo “leo thang” những ngày qua đã làm cho các cơ sở chế biến nem, pate, chả lụa; các quán cơm tấm, các nhà hàng, quán cơm phần (có sử dụng thịt heo làm thực phẩm) buộc phải điều chỉnh giá bán tăng lên, điều này khiến tình hình mua bán chậm lại so với trước. “Tôi bán cơm tấm, ngoài việc phải mua thịt đùi về khìa, khách hàng vào quán thường thích ăn sườn non ướp gia vị nướng. Một dĩa cơm trước đây bán với giá 25.000 đồng, giá sườn cọng non mua vào cao lắm cũng chỉ 160.000 đồng/kg. Nay, loại sườn này mua ở Vinmart+ Long Xuyên lên đến 224.000 đồng/kg nhưng giá bán 1 dĩa cơm tăng có 2.000 đồng, nếu tăng giá cao thì người ta không ăn”- chị Trần Thị Ngọc Lan (chủ quán cơm tấm phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
 
Bình ổn thị trường
 
Giá thịt heo “leo thang” đã làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của những công nhân lao động tại các nhà máy, công trường xây dựng, đây là điều khiến mọi người vô cùng lo lắng khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. “Năm nay, ngành hàng cá tra, lúa gạo gặp khó vì xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra, vì vậy lương, thưởng vào thời điểm cuối năm đến giờ vẫn chưa nghe đề cập đến. Vậy mà giá thịt heo lại “leo thang”, tôi rất lo, sợ năm nay không mua nổi 5kg thịt để kho nồi thịt cúng ông bà trong những ngày Tết” - chị Lê Thị Hai (công nhân tạo hình, Công ty Cổ phần Nam Việt) chia sẻ.
 
 
Trước diễn biến phức tạp của giá thịt heo những ngày qua, Sở Công thương và các sở, ban, ngành đã tham mưu UBND tỉnh, đưa mặt hàng thịt heo vào chương trình bình ổn giá để giúp cho người tiêu dùng có cái Tết Canh Tý 2020 sum vầy. “Năm nay, Sở Công thương phối hợp các sở, ngành tham mưu của UBND tỉnh, đưa mặt hàng thịt heo vào chương trình bình ổn thị trường. Hưởng ứng chương trình này, hiện đã có 24 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia với 1.600 điểm bàn hàng bình ổn trên toàn tỉnh. Riêng đối với mặt hàng thịt heo, để lượng thịt cung cho thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng những ngày cuối năm, chúng tôi đã làm việc với các công ty, DN cung ứng mặt hàng này. Qua trao đổi, các DN chuyên cung cấp thịt heo đã cam kết đồng hành cùng chương trình để giúp người tiêu dùng có cái Tết sum vầy” - Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi thông tin.
 
Không để thị trường biến động bất thường là mục tiêu được đặt ra cho chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. “Đây là chương trình mang ý nghĩa kinh tế - xã hội rất to lớn, bởi thông qua chương trình này đã giúp người tiêu dùng trong tỉnh mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cả ổn định. Nhờ có chương trình này mà trong những năm qua người lao động sắm sửa Tết đủ đầy” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng khẳng định.
 
Thường vào thời điểm cuối năm, nhu cầu của thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, gas, gạo…) tăng từ 2-3 lần so với ngày bình thường. Nhờ có chương trình này, các mặt hàng thiết yếu như: gas, gạo, xăng, dầu, thịt heo có được giá cả ổn định, giúp người thu nhập thấp có được cái Tết vui tươi. Ngoài người tiêu dùng, chương trình bình ổn thị trường còn giúp các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN trên địa bàn tỉnh tiêu thụ được hàng hóa với số lượng lớn do mình sản xuất; giúp kết nối cung - cầu, đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm một cách tốt nhất.
 
“Trong 3 ngày cuối năm, ngoài lượng heo của các DN, công ty trên địa bàn tỉnh cung ứng cho thị trường, năm nay, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Chi nhánh Kiên Giang sẽ cung ứng mỗi ngày 1.000 con heo cho thị trường An Giang. Việc này nhằm góp phần bình ổn thị trường thịt heo, đáp ứng nhu cầu của người dân. Với lượng cung như thế, hy vọng năm nay, giá thịt heo sẽ không có biến động như nhiều người lo ngại…” - Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi thông tin.
 
Bài, ảnh: MINH HIỂN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu