Thứ năm, 30/07/2020,10:26 (GMT+7)
Đưa tin học vào thực tiễn
Những năm gần đây, phong trào học tập, nghiên cứu, sáng tạo đối với môn tin học trong thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi nổi với nhiều sân chơi bổ ích. Trong đó, Hội thi Tin học trẻ được tổ chức hàng năm đã góp phần thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và đời sống.
Các thí sinh có thành tích xuất sắc và sản phẩm sáng tạo đạt giải nhất ở các bảng được trao thưởng tại hội thi.
 
Kiến thức khô khan thành sản phẩm sáng tạo
 
Hội thi Tin học trẻ năm nay, những sản phẩm sáng tạo được phát triển từ kiến thức sách vở là điểm nhấn. Nắm bắt được thực tế xã hội, các sản phẩm dự thi năm nay không chỉ đa dạng về thể loại, mà còn có tính ứng dụng cao. Được đánh giá là một trong những sản phẩm góp phần không nhỏ trong việc phát hiện các loại bệnh trên cây mãng cầu xiêm, em Lê Thị Ánh Xuân, học sinh lớp 11A4 và em Dương Ngọc Phú, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã cho ra đời sản phẩm “Chẩn đoán các bệnh trên cây mãng cầu xiêm bằng công nghệ Artificial Intelligence thông qua camera trên smartphone”.
 
Phú chia sẻ: “Với sản phẩm này, có thể dễ dàng phát hiện những trái mãng cầu bình thường và trái đang bị bệnh sâu đục trái, rệp sáp. Từ nguồn dữ liệu thực tế, chúng em đã sáng tạo ra phần mềm, với mong muốn hỗ trợ nhà vườn trồng mãng cầu xiêm. Đặc biệt là những nhà vườn mới bắt đầu trồng mãng cầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên rất khó phát hiện bệnh trên trái”.
 
Hình ảnh được chụp thông qua điện thoại thông minh sau đó phần mềm sẽ phân tích các loại bệnh trên trái theo tỷ lệ. Với phần mềm này, có thể phát hiện bệnh nhanh chóng với độ chính xác cao. Nhờ ứng dụng công nghệ Artificial Intelligence (AI) (công nghệ trí tuệ nhân tạo) để làm phần mềm, nên sản phẩm của Xuân và Phú có tính ứng dụng thực tế cao trong sản xuất.
 
Ngoài sản phẩm phục vụ nhà vườn, nhóm 3 học sinh Trường PTDTNT Him Lam, huyện Phụng Hiệp là em Lê Thị Bé Ngoan học sinh lớp 9A, em Lê Thị Diệu An học sinh lớp 8A2 và Nguyễn Thị Kim Ngọc học sinh lớp 9A5, cũng đã cho ra đời sản phẩm Máy ấp trứng ốc bươu đen ứng dụng công nghệ IOT. Em Kim Ngọc, đại diện nhóm bộc bạch: “Qua quan sát thấy ốc bươu đen có thịt ngon, giòn lại được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, do môi trường nước bị ô nhiễm, ốc bươu vàng quá nhiều, nên số lượng ốc bươu đen sống trong môi trường tự nhiên ngày càng ít, trứng ốc nở trong môi trường tự nhiên thấp. Từ đó, chúng em đã đưa ra ý tưởng để làm máy ấp trứng ốc bươu đen”. Nhờ đặc điểm tự động xử lý nhiệt độ, độ ẩm để tạo môi trường phù hợp cho việc ấp trứng, nên sản phẩm sẽ giúp người nuôi ốc thuận tiện hơn trong quá trình tạo nguồn ốc giống. Trong sản phẩm còn có gắn camera quan sát, vì vậy người dùng có thể kết nối với điện thoại để quan sát quá trình ấp trứng từ xa. 
 
Nghiên cứu có chiều sâu
 
Điểm mới của hội thi năm nay còn nằm trong phần thi lập trình sử dụng ngôn ngữ Scratch để giải các bài toán và tạo ra sản phẩm sáng tạo gắn với thực tế ở khối tiểu học. Em Hồ Lợi Nhuận, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học và THCS Phương Ninh, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Ngôn ngữ Scratch rất thú vị, lại dễ học. Đặc biệt thông qua đây, em có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm theo ý thích nữa”. Ngôn ngữ lập trình Scratch được xem là khá phổ biến với học sinh trên thế giới, bởi nó tiện lợi, dễ sử dụng so với các ngôn ngữ lập trình trước đây như Pascal, C…
 
Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua học sinh tiểu học ở một số trường trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, cũng đã được tiếp cận với ngôn ngữ lập trình này từ Dự án “Con thuyền mơ ước” do Microsoft Việt Nam và The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) hỗ trợ tập huấn.
 
Đánh giá về hội thi năm nay, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Hội thi đã thể hiện được mục đích, ý nghĩa quan trọng là dịp để tuổi trẻ học đường tranh tài, thể hiện bản lĩnh, trình độ hiểu biết về lĩnh vực tin học. Giúp các em thể hiện được năng khiếu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Sản phẩm sáng tạo năm nay, có chất lượng cao hơn các năm qua. Các sản phẩm dự thi đã biết tích hợp nhiều tính năng ứng dụng trong một sản phẩm, nhiều sản phẩm có tính ứng dụng công nghệ cao… Qua đây, phát động được phong trào sáng tạo trẻ, khơi dậy lòng yêu thích tin học, tạo được sân chơi bổ ích cho học sinh”.
 
Trong các thí sinh và sản phẩm sáng tạo đạt giải tại Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hậu Giang lần thứ XVII, năm 2020, Ban tổ chức sẽ chọn 2 thí sinh ở cấp tiểu học, 15 sản phẩm sáng tạo ở cấp THCS và THPT để tham gia Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXVI năm 2020. Dự kiến, hội thi toàn quốc sẽ tổ chức chung kết vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tại tỉnh Cà Mau.
Bài, ảnh: AN NHIÊN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu