Chủ nhật, 24/01/2021,07:16 (GMT+7)
Elon Musk tiếp sức chống biến đổi khí hậu
Trong nỗ lực mới nhất nhằm chống biến đổi khí hậu, tỉ phú Elon Musk (ảnh) - doanh nhân sở hữu Hãng sản xuất xe điện Tesla và Tập đoàn công nghệ SpaceX - vừa treo thưởng 100 triệu USD cho bất kỳ ai phát triển được công nghệ tốt nhất trưng thu khí thải carbon dioxide.
 
Theo Hãng tin Reuters, việc trưng thu lượng khí thải đang làm hành tinh nóng lên đã trở thành một phần quan trọng trong nhiều kế hoạch nhằm kiểm soát biến đổi khí hậu, nhưng công nghệ này đến nay đạt được rất ít tiến bộ. Còn các nỗ lực lại tập trung vào giảm lượng khí thải, thay vì loại bỏ carbon khỏi không khí. Năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhấn mạnh cần tăng cường triển khai công nghệ thu giữ carbon nếu các nước muốn đạt mục tiêu lượng khí phát thải ròng bằng 0. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ trưng thu carbon trong kế hoạch đối phó biến đổi khí hậu của mình.
 
Elon Musk tỏ ý muốn tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cách đây 6 năm bằng việc thúc đẩy đánh thuế carbon. Trong bài phát biểu tại Sorbonne (Pháp) hồi năm 2015, doanh nhân này kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải đánh thuế vấn đề ô nhiễm. Theo CEO Tesla, lái xe hơi chạy bằng xăng là ví dụ kinh điển về “một tác động tiêu cực từ bên ngoài chưa được đánh thuế”. Bởi loại xe này tạo ra lượng khí thải làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và gây nhiều tổn hại khác, nhưng lại không phải chịu phạt. Dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Musk lập luận rằng tình hình khí thải gây tổn thất tới 5.300 tỉ USD/năm, nên giải pháp của ông là “cần đánh thuế carbon”.
 
Elon Musk hiện theo đuổi những vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn đề xuất xây dựng một hệ thống đường hầm dưới thành phố Miami để hạn chế ô nhiễm. Trước đó, công ty của ông đã triển khai dự án xây dựng hệ thống đường hầm chống tắc đường tại thành phố Los Angeles và thu hút được sự chú ý của nhiều thị trưởng.
 
Vì sao Elon Musk giàu cực nhanh?
 
Theo tính toán của Forbes, ông chủ Hãng Tesla là người kiếm được nhiều tiền nhất trong thời gian Donald Trump làm tổng thống Mỹ. Theo đó, giá trị tài sản ròng của Elon Musk đã tăng hơn 170 tỉ USD từ thời điểm ông Trump lên nhậm chức ngày 20-1-2017. Nhờ giá trị cổ phiếu Tesla tăng 1.625% trong 4 năm qua, tài sản của ông Musk cũng tăng với tốc độ chưa từng có. Theo Forbes, CEO Tesla hiện là người giàu thứ hai thế giới với giá trị tài sản ròng là 184 tỉ USD, chỉ đứng sau nhà sáng lập Hãng thương mại điện tử Amazon - Jeff Bezos (190 tỉ USD).
 
Tuy nhiên, sự phát tài đáng kinh ngạc của ông Musk không liên quan trực tiếp đến chính sách của cựu Tổng thống Trump. Tesla tăng trưởng mạnh nhờ những dòng sản phẩm mới. Hơn nữa, tài sản của tỉ phủ Musk “bỗng nhiên” phình to chủ yếu sau khi ông Biden đắc cử tổng thống. Cổ phiếu của Tesla tăng hơn 100% trong hơn 3 tháng qua bởi các nhà đầu tư cho rằng chính quyền ông Biden sẽ có thiện cảm hơn với dòng xe điện.
 
Ông Trump từng ca ngợi Elon Musk là một trong những “thiên tài vĩ đại” của nước Mỹ vì đã dẫn dắt sự phát triển vượt bậc của SpaceX. Ngược lại, ông Musk lại chú trọng nhiều vào sự phát triển của dòng xe thân thiện môi trường. Hai ông Musk và Trump có mối quan hệ phức tạp từ năm 2016. Elon Musk đã từng làm cố vấn cho chính quyền Trump, nhưng khi vị tổng thống này thông báo rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2017, vị tỉ phú cũng rút lui. “Thay đổi khí hậu là sự thật và rời khỏi Thỏa thuận Paris sẽ không tốt cho nước Mỹ hay thế giới”, ông Musk khi đó tuyên bố. 
 
Hôm 21-1, hơn 3.000 nhà khoa học kêu gọi thực hiện nỗ lực trên toàn cầu lớn hơn để bảo vệ con người và thiên nhiên khỏi tác động của việc hành tinh đang nóng lên, bất chấp kinh phí để thích ứng với biến đổi khí hậu đã giảm do đại dịch COVID-19. Trong tuyên bố chung, các chuyên gia đến từ gần 120 quốc gia cảnh báo: “Nếu chúng ta không tăng tốc và thích ứng ngay bây giờ, hậu quả sẽ là gia tăng nghèo đói, thiếu nước uống, thiệt hại nông nghiệp và mức độ di cư tăng vọt”. Việc khí hậu đang thay đổi có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất lương thực toàn cầu tới 30% vào năm 2050, trong khi nước biển dâng và bão lớn hơn phá hủy các nền kinh tế đô thị và buộc hàng trăm triệu cư dân ven biển phải rời bỏ nhà cửa của họ. Để tránh nguy cơ đó, thế giới cần tiến hành nỗ lực to lớn để bảo tồn thiên nhiên, cách mạng về quy hoạch để giúp các thành phố, cơ sở giao thông, năng lượng và hạ tầng khác an toàn hơn trước các cú sốc khí hậu.
 
NGUYỆT CÁT - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu