Thứ hai, 15/06/2020,08:08 (GMT+7)
Gắn màng lọc khí thải cho xe: Người nghèo lo lắng
Những người thu nhập thấp đang lo lắng trước thông tin xe cũ phải gắn màng lọc khí thải với chi phí đắt đỏ
Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải. Dự thảo này đang được đưa ra lấy ý kiến và dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp đang diễn ra. Nếu đề xuất này được thông qua, hàng chục triệu xe máy, ôtô cũ sẽ phải lắp thêm màng lọc khí thải.
 
Hơn 50 triệu phương tiện bị ảnh hưởng
 
Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết từ tháng 1-2017, thực hiện lộ trình về tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các loại xe máy, ôtô mới sản xuất đều có sẵn bộ lọc chuyển đổi xúc tác để giảm phát thải độc hại, đáp ứng tiêu chuẩn EURO 4 đối với ôtô và EURO 3 đối với xe máy. Tuy nhiên, phần lớn ôtô, xe máy sản xuất trước năm 2017 chưa được lắp đặt bộ lọc khí thải này.
 
Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 3,5 triệu ôtô và hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành. Nếu áp dụng tiêu chuẩn nêu trên, sẽ có khoảng 51-52 triệu ôtô, xe máy đời cũ phải lắp thêm màng lọc khí thải. Điểm khó đối với các chủ phương tiện giao thông là màng lọc khí thải có giá khá cao, khoảng 2-4 triệu đồng đối với xe máy và khoảng 15-20 triệu đồng cho ôtô. Trong khi đó, đa phần xe đời cũ, nhất là xe máy, có giá trị rất thấp, chủ yếu phục vụ cho người lao động có thu nhập thấp.
Gắn màng lọc khí thải cho xe: Người nghèo lo lắng - Ảnh 1.
Việc lắp màng lọc khí thải cho xe là không đơn giản do liên quan đến kỹ thuật
 
Ông Ngô Văn Út - quê ở Trà Vinh, thuê nhà trọ ở quận 8, TP HCM, nói: "Năm ngoái, tôi mua được chiếc Attila của hãng SYM sản xuất cách đây khoảng 15 năm, giá chưa tới 2 triệu đồng để chạy Grab nuôi sống gia đình bốn miệng ăn. Nếu bắt buộc lắp màng lọc khí thải tốn tới 2 triệu đồng, bằng giá mua cả chiếc xe thì có nước bỏ nghề luôn!". Tương tự, ông Lê Tuấn Khởi (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM), cũng cho biết gia đình chỉ có chiếc xe máy Trung Quốc đã cũ để hằng ngày đi phụ hồ, nên rất ngần ngại nếu phải bỏ tiền lắp thêm màng lọc khí thải.
 
Ông Bùi Công Tiến (ngụ quận 7, TP HCM) vay mượn được một số tiền và mua được chiếc xe tải nhẹ đã qua sử dụng để chở thuê gần 3 năm qua nhưng vẫn chưa đủ tiền trả nợ. "Chở hàng mỗi ngày chỉ đủ tiền chi tiêu cho gia đình nên nợ vẫn chưa dứt. Chiếc xe "đồng nát" này nếu bán ra được nhiều nhất là 40 triệu đồng, trong khi lắp màng lọc giá bằng nửa chiếc xe. Tuy không phản đối nhưng tôi rất lo lắng nếu quy định bắt buộc lắp bộ lọc khí thải được thông qua. Hy vọng quy định này không áp dụng ngay để người dân có thời gian để tích lũy, đổi xe mới hơn; nếu không sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai" - ông Tiến bày tỏ.
 
Thị trường chưa có màng lọc
 
Không chỉ người dân, phía đại lý và doanh nghiệp (DN) sản xuất cũng chưa sẵn sàng trước đề xuất phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải.
 
Khảo sát các khu vực kinh doanh phụ tùng ôtô trên đường An Dương Vương, Trần Bình Trọng (quận 5, TP HCM), chúng tôi không thấy bày bán màng lọc khí thải dành cho các loại xe cơ giới. Tương tự, chủ các garage ôtô cũng cho hay chưa biết đến loại phụ tùng này cũng như đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tại các đại lý ôtô, xe máy, người kinh doanh cũng chưa nhận được thông tin gì từ nhà máy sản xuất về quy định mới liên quan đến tiêu chuẩn khí thải.
 
Tuy nhiên, một số tiệm sửa chữa xe tại TP HCM hiện cung cấp bộ lọc khí thải theo xe đã qua sử dụng. Chủ một tiệm sửa xe cho biết nhiều chủ xe có nhu cầu "độ" xe nên tiệm phải cắt bỏ bộ lọc khí thải và mua lại để bán cho những người có nhu cầu. Mỗi bộ lọc cũ này khi lắp vào xe khác thường có hạn sử dụng 3-5 năm tùy loại, thao tác lắp khá đơn giản, giá khoảng 2,8 triệu đồng bao gồm cả công lắp đặt. Dù chủ các tiệm "độ" xe này khẳng định bộ lọc cũ được họ lắp đặt sẽ đạt tiêu chuẩn kiểm định nhưng giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ thiếu an toàn, giảm tuổi thọ xe.
 
Đại diện Yamaha Việt Nam cho hay các dòng xe máy của hãng này đều đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 3 từ năm 2017. Hãng cũng khuyến cáo người sử dụng xe không được lắp thêm bất cứ linh kiện, phụ tùng nào khác bởi sẽ gây nguy hiểm. "Pô xe là một khối, muốn lắp thêm chi tiết thì phải tháo cắt pô, dẫn đến sai kết cấu, kỹ thuật. Nếu bắt buộc áp dụng việc lắp màng lọc thì nhà sản xuất cần phải nghiên cứu sử dụng loại nào cho hợp lý, lắp đặt như thế nào cho an toàn và hiệu quả. Việc lắp đặt này cần được các hãng hỗ trợ khách hàng" - đại diện Yamaha Việt Nam lưu ý.
 
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng việc lắp màng lọc khí thải cần có quy định phù hợp với tiêu chuẩn, kỹ thuật của nhà sản xuất. Chưa kể, giá màng lọc khá cao, thời hạn sử dụng ngắn nên phải thay màng lọc liên tục. Do vậy, VAMA cần tổ chức cuộc họp với các DN ôtô để tìm ra giải pháp hợp lý.
 
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cũng thừa nhận việc lắp màng lọc khí thải không đơn giản, cần phải có đánh giá tác động vì liên quan đến kỹ thuật. Việc kiểm tra, giám sát ôtô, xe máy thực hiện quy định lắp màng lọc khí thải cũng không dễ dàng bởi muốn kiểm tra một cách chính xác, buộc phải cắt ống xả. Còn nếu kiểm tra nhanh, phải dùng đầu dò lắp camera, nhưng không xác định được rõ loại ống xả.
 
Cần chính sách hỗ trợ
 
Theo giới chuyên môn, màng lọc khí thải giúp giảm thiểu CO2 và muội than ra môi trường. Các hãng xe Nhật, Âu, Mỹ và Hàn Quốc, Trung Quốc gần đây đã áp dụng thành công, tuy nhiên, cần gói hỗ trợ khá lớn. Ví dụ, để triển khai thành công, chính phủ Hàn Quốc đã chi ra khoảng 2,2 tỉ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất gắn thiết bị này lên phương tiện lưu hành.
 
Tại Việt Nam, lượng ôtô và xe máy cũ dự kiến bị tác động nếu đề xuất được thông qua là khá lớn. Chi phí đáp ứng tiêu chuẩn khí thải này không nhỏ nên cần cân nhắc chính sách hỗ trợ từ nhà nước hoặc nhà sản xuất để giảm bớt gánh nặng cho người dân.
 
Bài và ảnh: Gia Hưng - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu