Thứ sáu, 09/12/2022,10:00 (GMT+7)
Gấp rút hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
Trước thực trạng hàng trăm ngàn lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhiều đại biểu cho rằng rất cần những chính sách để doanh nghiệp cầm cự và người lao động vượt qua khó khăn
 
Chiều 8-12, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức tọa đàm "Việc làm của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng - thực trạng và giải pháp" với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và LĐLĐ các tỉnh, thành có đông công nhân (CN).
 
Cần thêm sự tiếp sức từ chính sách
 
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, những tháng gần đây do tình hình kinh tế thế giới khó khăn khiến không ít DN Việt Nam bị giảm, cắt đơn hàng, dẫn đến hệ quả là nhiều CN bị ảnh hưởng.
 
Nói cụ thể hơn, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết hiện thành phố có khoảng 108.000 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, nhiều nhất là giảm giờ làm tiêu chuẩn khoảng 102.000 lao động; 6.200 người bị mất việc.
 
Trong đó, lao động trên 35 tuổi khoảng 40.000 người. TP HCM dự báo sắp tới khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của DN có thể kéo dài đến quý II/2023, do đó NLĐ sẽ mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Qua khảo sát cho thấy 59% DN trên địa bàn nợ BHXH.
 
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết cách đây hơn một tháng khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố thông tin thị trường lao động quý III/2022, nhiều người khấp khởi mừng khi các dữ liệu cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường lao động. Tuy nhiên, sang quý IV, theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng LĐLĐ Việt Nam ở 44 tỉnh, thành, có gần 500.000 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, trong đó hơn 42.000 lao động bị mất việc.
 
Đáng lưu ý, trong điều tra khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy trong số CN bị mất việc thì có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi và 10.000 lao động nữ đang nuôi con nhỏ hoặc đang mang thai. "Thật xót xa khi nghe CN nói phải "về nhà sớm" hay "Tết đến sớm" - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn bày tỏ.
 
TS Vũ Minh Tiến cho biết trong hoàn cảnh như vậy, các cấp Công đoàn và các cấp, ngành, DN và NLĐ đã tìm cách khắc phục, vượt khó khăn nhưng điều đó là chưa đủ, rất cần sự tiếp sức từ các chính sách hiệu quả của nhà nước để giúp DN và NLĐ vượt qua khó khăn này.
 
Gấp rút hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động - Ảnh 1.
Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Những kiến nghị từ thực tế
 
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng thực tế NLĐ được thụ hưởng chính sách quá ít ỏi dù chúng ta ban hành khá nhiều chính sách.
 
"Thực tế, hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ về các dịch vụ xã hội hay chính sách hỗ trợ để DN phục hồi nhưng vấn đề là cần thực hiện bằng được và thực hiện hiệu quả" - bà Hương lưu ý. Còn theo ông Đặng Tất Đạt, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, sơ bộ số người bị giảm giờ làm là 240.000. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương có 140.000 người nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp và có 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ). "DN kiến nghị Chính phủ miễn, giảm, giãn thuế; giãn đóng BHXH và giãn trả nợ vay ngân hàng. NLĐ đề xuất có gói hỗ trợ của Chính phủ như Nghị quyết 42. LĐLĐ tỉnh Bình Dương kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ giãn đóng kinh phí Công đoàn cho DN, miễn đóng đoàn phí Công đoàn cho NLĐ có thu nhập thấp" - ông Đạt nói. Theo ông, các gói hỗ trợ NLĐ cũng chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời chứ không phải là giải pháp căn cơ.
 
Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết qua khảo sát nhanh, đến nay DN dệt may, giày da, gỗ là những DN thiếu đơn hàng nhiều nhất ở địa phương này. Hiện có 187 DN giảm giờ làm, có khó khăn về đơn hàng với gần 63.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm (chủ yếu là giảm giờ làm tiêu chuẩn, nghỉ việc luân phiên); có 5.000 lao động hoãn HĐLĐ.
 
Với Chính phủ, ông Sinh kiến nghị xem xét có gói hỗ trợ NLĐ nghỉ việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp bởi dự kiến năm 2023 sẽ có khoảng 20.000 lao động tạm hoãn HĐLĐ. Cùng với đó, đề nghị giảm thuế thu nhập DN để DN bớt khó khăn, bởi hiện có những DN đang rất khó khăn không có tiền trả lương cho NLĐ.
 
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết từ tháng 10-2022, tình hình việc làm rất khó khăn do đơn hàng bị cắt, giảm rất nhiều. Hiện tập đoàn có 120.000 lao động, trong đó khoảng 6.000 lao động bị ảnh hưởng giảm giờ làm; đã có 7 DN dệt, sợi công bố sẽ không có lương tháng 13 cho NLĐ do khó khăn. "Gói hỗ trợ lãi suất DN có nhu cầu nhưng rất khó tiếp cận. Vì vậy, Chính phủ cần tháo gỡ để DN tiếp cận vốn nhằm bảo đảm sản xuất - kinh doanh, bảo đảm việc làm cho NLĐ" - ông Dương kiến nghị.
 
 
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng thật buồn khi hàng chục ngàn lao động làm suốt 10 tháng/năm, giờ mất việc làm sẽ không có lương tháng 13. Do đó cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ NLĐ cũng như để DN duy trì sản xuất trong khi chờ đơn hàng mới. “Chính sách hỗ trợ phải sát với thực tiễn và đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề căn cơ để bảo đảm sản xuất, việc làm cho NLĐ” - ông Hiểu bày tỏ.
 
 
VĂN DUẨN/(nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu