Thứ năm, 26/12/2019,09:20 (GMT+7)
Giá thịt lợn tăng chóng mặt, các dịch vụ ăn uống tăng theo
Sau những ngày giá thịt lợn tăng giá đến chóng mặt, hôm nay 23-12, giá thịt lợn hơi ở miền bắc đã có dấu hiệu chững lại, còn giá thịt lợn ở miền nam vẫn tiếp tục tăng cao. Cùng với việc giá thịt lợn liên tục tăng giá, các dịch vụ ăn uống cũng tăng theo.
 
Giá thịt lợn tăng chóng mặt, các dịch vụ ăn uống tăng theo
Thịt lợn tăng giá chóng mặt khiến người tiêu dùng dè dặt mua thịt (Ảnh: ANH ĐÀO)
 
Thịt lợn tăng giá chóng mặt
 
Giá lợn hơi tại chợ đầu mối gia súc gia cầm lớn nhất miền bắc trên địa bàn tỉnh Hà Nam đứng ở mức 94.000 đồng/kg. Tại Thái Bình, giá lợn hơi hôm nay ở mức 93.000 - 94.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại Hưng Yên vẫn giữ ở mức 95.000-97.000 đồng/kg, cao nhất trong lịch sử 10 năm qua. Giá lợn hơi tại Thái Nguyên, Yên Bái và nhiều tỉnh khác duy trì ở mức 92.000 đồng/kg.
 
Giá lợn hơi tăng cao không chỉ khiến người tiêu dùng chóng mặt mà ngay cả những tiểu thương kinh doanh thịt lợn cũng gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, người tiêu dùng chuyển sang dùng thực phẩm khác.
 
Theo chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương kinh doanh thịt chợ Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Định cho biết: “Giá thịt lợn nhập vào mỗi ngày một giá nên các tiểu thương như chung tôi cũng không dám nhập nhiều. Trước đây có khi còn bán được nửa con nhưng bây giờ một con lợn khoảng một tạ thì phải bốn chị em chia nhau bán vẫn còn khó, có ngày cũng chỉ bán được hơn 10kg thịt”.
 
Chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương chợ Quất Lâm không dám nhập nhiều thịt vì giá lợn quá cao.
 
Còn tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ truyền thống như Cầu Tó, chợ Hà Đông, Hoàng Mai… thịt ba chỉ, thăn, bắp mấy ngày hôm nay đã chạm mốc hơn 20.000/1 lạng.
 
Chị Bùi Thị Thu một tiểu thương chợ Cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Trước đây 20.000 mua được gần hai lạng thịt lợn, nay thịt tăng giá 20.000 chưa mua nổi một lạng thịt nên người dân mua giảm đi rất nhiều”.
 
Ở miền Trung vẫn tiếp tục đà tăng của tuần trước, đạt đỉnh 94.000 đồng/kg. Hiện Lâm Đồng đang là địa phương có mức giá cao nhất vùng, 94.000 đồng/kg. Các địa phương khác như Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định giá lợn hơi ở mức 92.000 đồng/kg.
 
Trong khi đó, giá lợn hơi ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Bình Thuận, Khánh Hoà dao động trong khoảng 80.000 – 85.000 đồng/kg.
 
Tại Hà Nội, giá thịt ba chỉ, thịt thăn, sườn... chạm mốc 200.000đồng/kg.
 
Ghi nhận của phóng viên Nhân Dân điện tử sáng sớm nay, tại một số chợ lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhiều hộ kinh doanh thịt lấy về lượng thịt 1,2 con cầm chừng vì nguồn cung không đủ và mặt khác, giá thịt lợn khá cao nên các bà nội trợ lại phải “tự bình ổn túi tiền” bằng cách chọn các thức ăn khác như cá, rau, thịt gà… Tại khu vực chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chị Mận bán thịt lợn cho biết: Hơn một tháng nay lò mổ thịt ở huyện Đại Lộc nơi chị thường lấy đã dừng mổ lợn. “Khi giá thịt ba chỉ lên đến 200.000 ngàn đồng/kg thì tôi không dám lấy thịt để bán, giờ ra chợ chỉ lấy ít xương, giò...bán đỡ. Chủ lò mổ chỗ tôi nói là đến sát Tết mới lại mổ lợn”.
 
Tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nơi các tiểu thương cung ứng một lượng thịt khá lớn cho người dân khu vực trung tâm thành phố cũng như các quán, hàng ăn.
 
Bà Lê Thị Xuân, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đống Đa bức xúc: Liên tục cả tháng nay, mỗi ngày chủ lò mổ “kêu” tăng từ một đến năm giá và liên tục tăng vọt không thể đuổi kịp. Giá thịt mua vào quá cao nên tiểu thương chúng tôi khóc với lợn. Nhiều người mỗi ngày chỉ bán 1-2 con và nghỉ. Mới ba ngày nay, chủ lò mổ báo giá lợn hơi 130.000đồng/kg và vẫn rất khan hiếm. Tôi đã kinh doanh thịt heo hơn 40 năm nay, chưa bao giờ phải gồng mình theo giá thịt tăng mạnh như thế.
 
Nhiều dịch vụ ăn uống cũng tăng giá theo thịt lợn
 
Giá thịt lợn tăng nhanh đã khiến các dịch vụ ăn uống khác như bún chả, bánh mỳ, thịt nướng, thịt quay… tăng theo.
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai chủ cửa hàng bán bún mọc trên phố Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chưa khi nào chị cảm thấy việc kinh doanh lại khó khăn như hiện tại.
 
“Giá thịt lợn tăng kéo theo tất cả các mặt hàng khác đều tăng giá. Giá mỗi bát bún, phở trước kia là 30.000 nay phải bán lên 35.000 nhưng lời lãi cũng chẳng thấy đâu. Tôi không treo biển tăng giá như nhiều hàng khác mà thi thoảng lựa lời giải thích với khách để họ thông cảm”, chị Mai chia sẻ.
 
Nhiều cửa hàng cơm bình dân cũng tăng giá 5.000/suất.
 
Tại một số cửa hàng bán bánh cuốn, bánh mì pate, bún đậu, bún mọc sườn… trên nhiều tuyến phố của Hà Nội cũng đều đã tăng giá: Bánh mỳ pate thịt tăng từ 20.000 đồng lên 25.000 đến 30.000 đồng/chiếc; bánh cuốn chả tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/suất; bún đậu thịt tăng lên 35.000 đồng/suất, giá cũ là 25.000 đồng/suất. Chủ quán bún mọc tại 18 Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm), do cố gắng duy trì ở mức giá trước đây là 30.000 đồng đến 35.000 đồng/bát nên đã ý tứ thái miếng thịt mỏng hơn hay bớt mỗi bát một miếng sườn, miếng mọc.
 
Cùng cảnh ngộ với các thức quà bún bánh, các quán cơm bình dân cũng tăng thêm 5.000 đồng/suất. Trước đợt tăng giá thịt lợn mới này, chị Hà Thị Mai, chủ quán cơm bình dân trên phố Phan Bá Vành, Từ Liên (Hà Nội) lo lắng: Nếu giá thịt lợn tiếp tục tăng nữa thì khách chính của quán là các sinh viên, người lao động sẽ không chịu nổi. Do đó, chị Mai cũng chọn cách giảm bớt lượng thịt, tăng thêm rau xanh bảo đảm chi phí kinh doanh cho gia đình.
 
THANH TRÀ - ANH ĐÀO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu