Dù có tuổi đời, tuổi nghề và hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng mỗi thầy, cô đều là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, mến trẻ. Vượt qua những khó khăn trong công tác lẫn cuộc sống thường nhật, các thầy, cô xứng đáng là những đóa hoa tỏa sáng trong vườn hoa “trồng người”.
Hạnh phúc vì được tin tưởng
Là giáo viên có tuổi đời trẻ nhất và là giáo viên nam duy nhất trong danh sách giáo viên mầm non được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, thầy Nguyễn Phương Bình, Trường Mầm non 1 (quận 5), cho biết, ước mơ trở thành giáo viên mầm non đã nhen nhóm trong anh từ năm học lớp 11. Thời gian đó, anh có nhiều cơ hội tiếp xúc, chơi đùa với trẻ con trong xóm. Nụ cười, sự hồn nhiên của trẻ đã “để nhớ, để thương”, khiến anh quyết định thi vào ngành sư phạm.
“Trải qua những ngày tháng miệt mài trên giảng đường, dấn thân vào nghề rồi, tôi mới nhận ra sự khác biệt quá lớn giữa lý thuyết và thực tế chăm sóc trẻ”, thầy giáo trẻ tâm sự.
Thử thách càng tăng lên gấp bội khi Phương Bình được phân công đứng lớp ở một điểm trường lẻ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, gánh cùng lúc trên vai 2 nhiệm vụ: giáo viên và bí thư chi đoàn đơn vị. Song, với sự kiên trì vượt khó, thầy giáo trẻ đã là người mẹ, người cha thứ 2 của các em nhỏ.
Anh quan niệm, trẻ con như tờ giấy trắng, thầy, cô viết lên đó những điều tốt đẹp sẽ giúp trẻ trở thành người tốt. Đầu năm học khi nhận lớp, có bé chưa biết nhai cơm, có trẻ cứ đến buổi trưa lại quấy khóc không chịu ngủ, bằng sự kiên trì và nhẫn nại, người thầy tâm lý đã xây dựng cho trẻ những viên gạch kỹ năng đầu đời.
Thầy Phương Bình cho biết, thời gian đầu khi tiếp xúc với anh, nhiều phụ huynh tỏ ra e dè, lo lắng bởi “giáo viên nam khó tỉ mỉ, chu đáo được như các cô”. Lặng lẽ chứng minh bằng những việc làm cụ thể, anh đã dần có được sự tin tưởng, tín nhiệm của phụ huynh. Năm nay, niềm vui nhân ba với thầy giáo trẻ khi vừa được vinh danh tại Giải thưởng Võ Trường Toản, vừa được công nhận danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu quận 5 và bằng khen của UBND TPHCM.
Tiếp lửa nhờ học trò
Có mặt tại Trường Mầm non 3 (quận 3) vào một sáng đầu tuần, ấn tượng của chúng tôi về cô giáo Huỳnh Thuần Nhu là dáng người nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ. Cô Thuần Nhu cho biết, thành quả sau hơn 20 năm công tác của cô là vinh dự có tên trong danh sách 40 giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Thành công đó không chỉ có sự cố gắng của bản thân, động viên của gia đình, hỗ trợ từ nhà trường mà còn được tiếp lửa từ chính học trò. Cô hạnh phúc khoe, nhiều học sinh của mình nay đã lớn, trở thành học sinh cấp 3, thậm chí sinh viên đại học, nhưng vẫn nhớ và về thăm cô giáo cũ mỗi dịp 20-11.
Cô Huỳnh Thuần Nhu, giáo viên Trường Mầm non 3 (quận 3). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chia sẻ về công việc mình đang theo đuổi, cô Thuần Nhu bày tỏ, nghề nào cũng có khó khăn, vất vả nhưng niềm vui lớn nhất đối với giáo viên mầm non là mỗi ngày được đón nhận tình cảm yêu thương của học trò. Niềm vui đôi khi chỉ đơn giản là những tiếng gọi trìu mến, hay ngọng nghịu hát tặng cô một bài hát, dù chưa thuộc lời. Nữ giáo viên nhắn nhủ đến các đồng nghiệp trẻ, để làm tốt công việc giáo viên mầm non phải có lòng yêu trẻ, sau đó là sự tận tụy, cần cù. “Tôi từng có phút xao lòng vì nghề nghiệp của mình không được coi trọng.
Nhưng những lúc như thế, bản thân lại tự động viên phải cố gắng, nỗ lực chăm sóc trẻ nhiều hơn, sự tiến bộ của các con sẽ là thước đo giúp phụ huynh và xã hội lấy lại niềm tin ở cô giáo mầm non”, cô giáo trải lòng. Trải qua 21 năm vui, buồn cùng trẻ, người giáo viên ấy vẫn một lòng tận tụy, dìu dắt nhiều thế hệ học trò khôn lớn.
Bám trụ và gắn bó với nghề giáo viên mầm non suốt 25 năm qua, động lực giúp cô Phạm Thị Bích Hạnh, giáo viên Trường Mầm non 11 (quận Tân Bình), chính là niềm vui được nhìn thấy sự trưởng thành của học trò. Bản thân từng trải qua 2 lần “thập tử nhất sinh” vì chống chọi với bệnh nan y nhưng cô Bích Hạnh vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác.
Năm 2016, cô được chọn vinh danh danh hiệu “Trái tim người thầy” do Công đoàn Giáo dục TPHCM trao tặng. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi, trở thành tấm gương sáng về ý chí và nghị lực cho các đồng nghiệp khác noi theo. “Mỗi ngày khi bước chân vào lớp, mọi buồn, vui cá nhân tôi đều gác lại ngoài cửa. Mình đến với trẻ bằng sự nhiệt tình, hăm hở sẽ nhận lại từ trẻ nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp nỗi buồn nhanh chóng qua đi, niềm vui ở lại”, cô Bích Hạnh chia sẻ.
Với cô Lê Mỹ Trinh, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (quận 6), trong vai trò Tổ trưởng chuyên môn tổ Lá, cô luôn tâm niệm phải làm hết sức mình, tích cực đi đầu trong mọi hoạt động. Thành công đối với người giáo viên mầm non không phải là giải thưởng, thành tích cho bản thân mà chính là tình cảm yêu thương và những tiến bộ của học trò, sự ghi nhận, tín nhiệm của phụ huynh.
Danh sách giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các cô: Ngô Hoàng Yến, giáo viên Trường Mầm non Phước Hiệp (huyện Củ Chi); Lê Thanh Thúy, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (quận Tân Phú); Trần Thị Tuyết Minh, giáo viên Trường Mầm non Hương Sen (quận Bình Tân) và Vũ Hoàng Linh Chi, giáo viên Trường Mầm non Thành phố.
|
THU TÂM - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)